Họ đã 'ăn tiền' trên nỗi thống khổ của dân, và trước tòa họ nói những câu rất chói tai
Cựu phó giám đốc công an TP Hà Nội nói dính líu tới vụ án vì 'thương người quá'; cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng thì 'hồn nhiên' khi trả lời tòa 'không ý thức được việc nhận 21,5 tỉ đồng là vi phạm pháp luật'...
Vụ án chuyến bay giải cứu xảy ra trong giai đoạn Covid-19 năm 2020-2021, liên quan nhiều cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội và Quảng Nam đã bước vào ngày xét xử thứ ba.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã đưa ra những lời khai khiến người theo dõi phiên tòa không thể tưởng tượng nổi họ từng là quan chức, cán bộ nắm giữ những vị trí cao trong bộ máy Nhà nước.
Bị cáo Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần của 13 doanh nghiệp, tổng số 21,5 tỉ đồng trong quá trình cấp phép các chuyến bay giải cứu cho doanh nghiệp và bị truy tố theo khung hình phạt tới tử hình.
Lý giải về việc nhận tiền của doanh nghiệp, bị cáo Dũng cho biết: "Không ý thức được việc nhận 21,5 tỉ đồng là vi phạm pháp luật".
Trong khi đó, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình, khai rằng bị cáo Dũng 8 lần nhận, tổng 8,5 tỷ đồng. Lần đưa tiền đầu tiên, bà Mơ đưa 500 triệu đồng tại phòng làm việc của ông Dũng.
"Anh Dũng bảo lần sau không được đưa tiền nữa, nhưng sau đó tôi đưa thì anh vẫn nhận".
Bị cáo Mơ bị cáo khai rằng phải đưa tiền vì “nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay đúng thủ tục nhưng không bao giờ được chấp thuận, bị gây khó khăn".
Cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị đưa ra xét xử về tội môi giới hối lộ. Trả lời tòa, bị cáo Tuấn nhiều lần khẳng định dính vào vụ án này "vì thương em gái kết nghĩa vướng lao lý" (bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh - BlueSky). Bị cáo Tuấn đã thiết kế cho gặp Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an.
"Tôi rất ân hận về hành vi của mình. Chỉ vì xuất phát từ việc thương người quá nên mới môi giới hối lộ. Tôi mong HĐXX xem xét để cho hưởng khoan hồng", ông Tuấn nói.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng gặp bị cáo Hoàng Văn Hưng nhiều lần tại nhà của bị cáo Tuấn. Trong những lần gặp gỡ này, bị cáo Hưng đã hướng dẫn Hằng cách thức khai báo, làm bản tường trình… Hai bên gặp nhau khoảng hơn 10 lần.
''Trong quá trình trao đổi, giao dịch, chưa bao giờ tôi nhận 1 khoản tiền nào Tuấn chuyển cho''- bị cáo Hưng nhấn mạnh và cho biết ''Tôi không bao giờ nói về tiền nong, bởi ngay từ đầu đã thống nhất chuyện của Hằng là không cần bất cứ thứ gì''.
Bị cáo Hưng thừa nhận ngày 5-12-2022, có nhận chiếc cặp được bị cáo Tuấn gửi đến ở cổng cơ quan; lý do gửi là "trước đó tôi có nằm viện điều trị COVID, khi ra viện thì Tuấn có gọi điện hỏi thăm và nói sẽ chuẩn bị quà cho bác sĩ giúp".
Tại phiên tòa, bị cáo Hưng "thách" VKS: "Bây giờ VKS chỉ cần nêu được một chứng cứ cho thấy tôi sai, tôi nhận tội luôn".
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc đã nhận hối lộ 253 lần. Đây cũng là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, lên tới 42,6 tỉ đồng.
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vijasun, khai về việc thấy Kiên quát tháo doanh nghiệp: "Tôi biết các anh nộp 150 triệu mỗi chuyến cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - PV) thì các anh cũng nộp cho tôi 150 triệu đồng, các anh nộp cho Tuấn cả 300 triệu đồng rồi anh Tuấn đưa lại cho tôi hoặc đưa cho tôi rồi tôi đưa anh Tuấn. Nếu không nộp thì không được cấp phép''.
Tuy nhiên, bị cáo Kiên phủ nhận: "Lời khai bị cáo quát tháo doanh nghiệp khi họ đến gặp là không đúng sự thật. Bị cáo không yêu cầu DN đưa tiền, không ra giá chuyến bay; mức chi, hình thức chi đều do DN chủ động đề xuất. Nhiều DN chủ động đến gặp bị cáo và đến gặp sau khi Bộ Y tế cấp phép chuyến bay mà không gặp trở ngại nào''.