Hô hào cho… người khác nghe

Thỉnh thoảng, vào một dịp nào đó trong năm, chúng ta sẽ bắt gặp những sự kiện được gọi là 'tháng hành động', 'tuần lễ ra quân', 'phát động phong trào'… với sự tham gia hưởng ứng của nhiều lực lượng, hội, đoàn thể…

Những sự kiện như vậy thường xuyên được tổ chức, với mục tiêu là nâng cao nhận thức của cộng đồng, kêu gọi mọi người thay đổi những hành vi, thói quen chưa tốt, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường, xã hội…

Hình thức thể hiện cũng rất quan trọng và cần phải phù hợp với lời kêu gọi, có như vậy mới khiến cộng đồng thực hiện theo một cách nghiêm túc...

Hình thức thể hiện cũng rất quan trọng và cần phải phù hợp với lời kêu gọi, có như vậy mới khiến cộng đồng thực hiện theo một cách nghiêm túc...

Ví dụ như những hoạt động kêu gọi tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, không hút thuốc lá, dẹp vỉa hè, ra quân kiểm tra các trường hợp vi phạm luật giao thông, kêu gọi giao nộp vũ khí, vật liệu nổ…

Về cơ bản, có những hoạt động, lời kêu gọi đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phần lớn các cá nhân, tập thể trong cộng đồng. Ta có thể thấy rõ những thay đổi trong ý thức bảo vệ môi trường, động vật hoang dã, tiết kiệm nhiên, nguyên liệu, tuân thủ, chấp hành luật giao thông…

Thế nhưng, có những việc làm, lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác, những “chiến dịch” tổng lực, quy mô của nhiều lực lượng trong xã hội cùng tham gia, nhưng lại chẳng mang lại mấy hiệu quả. Điển hình, có lẽ ai cũng biết và ai cũng đã từng chứng kiến, là “chiến dịch ra quân” dẹp vỉa hè, đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại sự thông thoáng, phong quang của bộ mặt đường phố.

Mà năm nào chính quyền thành phố cũng đều triển khai một lần, có khi vài lượt. Nhưng hiệu quả thì ai cũng thấy rõ, dẹp đầu phố chạy vào nhà thì cuối phố lại từ nhà chạy ra. Cương quyết lắm thì cũng được dăm ba bữa, một tuần rồi đâu lại vào đó.

Giống như một việc phải làm, mà không mấy ai quan tâm đến hiệu quả của nó đến đâu.

Lại nhớ đến chuyện dẹp chợ cóc. Không biết ai đã đặt tên cho nó mà lại “trúng” đến vậy. Những người bán hàng tụ tập ở một góc phố, và khi bị lực lượng chức năng đến kiểm tra thì ngay lập tức rủ nhau chạy ra chỗ khác… họp tiếp.

Có lẽ hình ảnh ấy khiến người ta nghĩ đến con cóc nó cứ nhảy lung tung khi có người xuất hiện (?). Nên mới đặt tên là “Chợ Cóc” chăng?

Hay như sáng nay, đi trên đường, hàng loạt những khẩu hiệu được in đẹp đẽ treo dọc theo các cột điện hai bên vỉa hè, với dòng chữ kêu gọi mọi người không sử dụng túi nilon khó phân hủy, để bảo vệ môi trường…

Ấy thế nhưng, bản thân những lời kêu gọi ấy, lại được in trên những tấm bạt nhựa dày, rất khó phân hủy. Và thường chúng ta sẽ thấy sau một thời gian ngắn chúng sẽ rách toạc, rơi vãi xuống lòng đường, vỉa hè, hoặc được người ta dỡ ra, vứt vào đâu đó, hay bãi rác.

Chắc hẳn cũng chẳng cần phải chứng minh, những tấm bạt nhựa ấy tồn tại trong tự nhiên được bao nhiêu lâu? Và là một trong những thứ "rác thải đô thị" gây mất mỹ quan đường phố nhất trong nhiều thứ chúng ta vẫn "vứt bỏ" ra nơi công cộng sau khi sử dụng xong.

Không biết, những người làm việc ấy nghĩ gì? Hay đơn thuần, họ nghĩ rằng, lời kêu gọi Bảo vệ môi trường ấy, là dành cho cộng đồng, cho người khác, chữ không phải cho bản thân mình?

Có lẽ với những người có trách nhiệm, được giao nhiệm vụ, khi suy nghĩ làm một việc nào đó, hay kêu gọi cộng đồng thực hiện thay đổi hành động, thái độ, tư duy… đặc biệt có tác động tới toàn xã hội, cần phải đặt mình vào vị trí của “đối tượng” nhắm đến, bản thân mình phải gương mẫu thực hiện trước, chứ không phải làm việc theo cách: Hô hào cho người khác nghe, còn mình thì vô can…

Quang Hùng/VOV- Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/ho-hao-cho-nguoi-khac-nghe-post1124685.vov