Hộ kinh doanh kê khai thế nào khi bỏ thuế khoán?
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất xóa bỏ thuế khoán, áp dụng cơ chế hộ kinh doanh tự khai, tự nộp thuế và sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình.
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ chính sách của dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), trong đó đề xuất nhiều đổi mới quan trọng liên quan đến phương pháp quản lý thuế với doanh nghiệp siêu nhỏ, bao gồm cả cá nhân, hộ kinh doanh. Đáng chú ý, dự thảo quy định xóa bỏ hoàn toàn hình thức thuế khoán (tính theo tỷ lệ % trên doanh thu) đang được áp dụng hiện nay, thay bằng cơ chế tự khai, tự nộp thuế theo phương pháp trực tiếp, thống nhất với quy định hiện hành của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Xóa thuế khoán, áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế
Theo dự thảo, từ năm 2026, hộ và cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế. Cụ thể, các đối tượng này phải kê khai doanh thu thực tế và nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm quy định trên doanh thu phát sinh, thay cho cách tính thuế khoán cố định như hiện nay.

Việc xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026 không chỉ giúp tăng minh bạch, chống thất thu thuế mà còn tạo nền tảng để hộ kinh doanh phát triển. Ảnh minh họa
Đây được xem là bước cải cách quan trọng, nhằm tạo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, đồng thời minh bạch hóa doanh thu thực tế, chống thất thu thuế, phù hợp với xu thế quản lý thuế hiện đại.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về chế độ kế toán và hóa đơn đối với hộ kinh doanh. Cụ thể, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ phải thực hiện chế độ kế toán đơn giản tương tự như doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Thông tư 88/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Nhóm này cũng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế.
Đặc biệt, từ ngày 1/6/2025, hộ kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, có kết nối truyền dữ liệu trực tiếp đến cơ quan thuế, theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP.
Áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình đến năm 2028
Để đảm bảo sự chuyển đổi thuận lợi, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử cho từng nhóm hộ kinh doanh theo mức doanh thu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 1/1/2026 đến 31/12/2026, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm và thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng các hình thức hóa đơn điện tử như: Hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế (có thể cấp lẻ trực tuyến hoặc qua phần mềm trung gian miễn phí); hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (nếu đủ điều kiện) và hóa đơn đơn giản như “biên nhận bán hàng điện tử” qua ứng dụng, Zalo, SMS hoặc mẫu có mã QR do Chính phủ quy định.
Từ ngày 1/1/2027, nhóm hộ kinh doanh có doanh thu từ 800 triệu đồng/năm trở lên khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.
Đến ngày 1/1/2028, quy định này sẽ mở rộng áp dụng cho cả nhóm hộ kinh doanh có doanh thu dưới 800 triệu đồng nhưng vẫn thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Như vậy, toàn bộ hoạt động bán lẻ, cung cấp dịch vụ của hộ kinh doanh đều phải có hóa đơn điện tử, qua đó từng bước kiểm soát doanh thu thực tế và tăng cường hiệu quả quản lý thuế.
Theo các chuyên gia tài chính, với việc xóa bỏ thuế khoán và chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp thuế, hộ kinh doanh sẽ phải chủ động nắm rõ doanh thu thực tế, thực hiện kê khai, sử dụng hóa đơn điện tử đúng quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về phần mềm, máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh ăn uống (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trước nay tôi quen đóng thuế khoán hàng tháng cố định, nếu chuyển sang tự khai thì phải theo dõi doanh thu sát sao hơn. Tuy nhiên, nếu có phần mềm miễn phí và hướng dẫn cụ thể thì tôi hoàn toàn ủng hộ vì việc này minh bạch và công bằng hơn”.
Việc áp dụng đồng bộ hóa đơn điện tử và chế độ kế toán đơn giản với các hộ kinh doanh có doanh thu lớn cũng được đánh giá là phù hợp, tạo điều kiện cho cơ quan thuế quản lý sát thực doanh thu, ngăn ngừa thất thu ngân sách.
Theo số liệu quản lý thuế hộ kinh doanh đến hết tháng 12/2024, cả nước hiện có khoảng 3,6 triệu hộ và cá nhân kinh doanh đang được quản lý thuế. Trong đó, có khoảng 2,2 triệu hộ kinh doanh ổn định, bao gồm cả hộ khoán và hộ kê khai.Tổng đóng góp của hộ kinh doanh vào ngân sách Nhà nước năm 2024 là khoảng 25.953 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng phương pháp thuế khoán không còn phản ánh đúng quy mô và năng lực thực tế của các hộ kinh doanh, dẫn tới thất thu ngân sách.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-kinh-doanh-ke-khai-the-nao-khi-bo-thue-khoan-406286.html