Hồ Nghinh - Chân dung người Cộng sản kiên trung, mẫu mực (Kỳ cuối: Người Cộng sản suốt đời vì nước, vì dân)
Nước nhà thống nhất, từ tháng 10-1975 đến những tháng đầu năm 1982, đồng chí Hồ Nghinh giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa V. Tháng 4-1982, đồng chí được Trung ương điều động về công tác ở Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức vụ Phó Trưởng ban đến khi nghỉ hưu. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn là một người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, mẫu mực, luôn đau đáu, hết lòng vì nước, vì dân.
Con người của đổi mới
Trong thời gian ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN), đồng chí Hồ Nghinh đã có công lao to lớn trong việc góp phần chỉ đạo đưa QN-ĐN trở thành tỉnh phát triển toàn diện ở miền Trung, một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, nhất là trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Dấu ấn lớn nhất của đồng chí thời gian này là đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, thiết lập quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Chính đồng chí đã linh hoạt, chủ động triển khai nhiều chủ trương của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế QN-ĐN, nhất là trong việc cải tạo công thương nghiệp, xác lập quan hệ sản xuất mới.
Tại Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được Trung ương điều động về công tác ở Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức vụ Phó Trưởng ban. Bấy giờ, một vấn đề đặt ra là cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp tồn tại quá lâu trong nền kinh tế nước nhà, yêu cầu cần phải đổi mới toàn diện mới mong đất nước thoát ra tình trạng trì trệ, kém phát triển. Từ những trăn trở, suy nghĩ đó, đồng chí Hồ Nghinh đã có rất nhiều ý kiến đóng góp mang tính cơ bản, góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ.
Là người có chủ kiến, không rào đón, rất ghét các loại cơ hội, bảo thủ, lý luận suông không gắn liền với thực tiễn cuộc sống của đất nước, đồng chí Hồ Nghinh luôn phát biểu về quan điểm và ý kiến khác của mình để làm sáng tỏ những ý kiến còn khác nhau. Quan điểm của đồng chí luôn minh bạch, vì lợi ích chung, không liên quan đến những lý do riêng. Đồng chí tranh luận đến cùng, bất kỳ với ai, khi chưa thông mà có người cho là ảnh hưởng cái “tật hay cãi” của người Quảng Nam. Đọc khá nhiều sách kinh điển Mác – Lênin, kiến thức rộng, ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu, cộng với khí chất của quê hương, đồng chí tranh luận với lý lẽ chặt chẽ, khúc chiếc. Đồng chí luôn kiên định sự nghiệp đổi mới của đất nước và thường bày tỏ sự lo ngại về lực lượng của sự phát triển. Đồng chí đánh giá cán bộ không qua nói hay, nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mà vấn đề là thực sự làm có hiệu quả, đó là tiêu chí hàng đầu – là dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Đồng chí không có tư tưởng địa phương. Điều mà đồng chí, coi như “không đội trời chung” là bệnh giáo điều, xa thực tế Việt Nam, bệnh quan liêu, thói ham quyền hống hách và thói tham của bất kể đạo lý. Đồng chí tôn trọng những cán bộ có tài và trong sạch, quê quán ở đâu, tuổi tác lớn nhỏ, đồng chí chẳng bận tâm. Đồng chí sẵn sàng nghe kỹ những sáng tạo, tìm hiểu cặn kẽ và phản ánh với tập thể, trong trao đổi đi thẳng vào vấn đề, không thích đi vào chuyện vặt. Sinh thời, nhắc đến đồng chí Hồ Nghinh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể: "Sau Đại hội V, anh Nghinh về công tác ở Ban Kinh tế Trung ương. Anh Nghinh cùng một số anh em có đồng quan điểm như Hà Nghiệp, Đoàn Duy Thành... đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện. Những trăn trở, suy nghĩ đó được bộc lộ khá mạnh từ anh Nghinh, đã góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ đổi mới và phát triển mạnh mẽ...".
Nhà báo, học giả Trần Bạch Đằng cũng ghi chuyện: "Một lần đồng chí Lê Duẩn nói với anh (Hồ Nghinh - P.V) - có mặt tôi - chung quanh vấn đề kinh tế, về giá trị thặng dư và anh Duẩn cười bảo: Vẫn còn "cửa" cho anh Nghinh cãi đấy". Và, anh cãi thật. Đọc khá nhiều sách kinh điển, kiến thức rộng, ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu, cộng tính khí người Quảng, anh cãi với lý lẽ hẳn hoi... Cái mà anh Hồ Nghinh coi như "không đội trời chung" là bệnh giáo điều, xa thực tế Việt Nam, bệnh quan liêu, thói ham quyền hống hách và thói ham của bất kể đạo lý".
Phẩm chất cao quý, giàu tính nhân văn
Năm 1986, đồng chí Hồ Nghinh nghỉ hưu, ban đầu sống tại TP Hồ Chí Minh, sau chuyển về TP Đà Nẵng. Trở về với cuộc sống đời thường, đồng chí vẫn giữ nguyên nếp sống giản dị, chất phác, hòa đồng với mọi người, hàng xóm. Đáng trân quý và xúc động hơn cả, hàng tháng, đồng chí đều dành một phần lương hưu để giúp đỡ những người nghèo khó và ủng hộ các quỹ nhân đạo, từ thiện. Đặc biệt, sau lễ mừng thọ 90 tuổi (năm 2003), đồng chí Hồ Nghinh tự nguyện dùng số tiền của các đơn vị, cá nhân đến chúc mừng để làm một ngôi nhà tình thương tặng hộ nghèo (một hộ ở Đà Nẵng, một hộ ở Quảng Nam). Một câu chuyện đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến đó là khi Tổng Biên tập báo Thanh Niên đến ngỏ ý tặng một máy điều hòa, nhưng đồng chí Hồ Nghinh đã từ chối và nêu ý kiến: “Xin để số tiền ấy giúp đỡ người nghèo!”.
Ngày 15-3-2007, trái tim của người Cộng sản bình dị, suốt cuộc đời tận hiến vì đất nước, vì dân Hồ Nghinh ngừng đập, hưởng thọ 92 tuổi. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hồ Nghinh được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, hạng Nhất, Huân chương Giải phóng Hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (15-2-1913 – 15-2-2023) là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng ôn lại truyền thống, trân trọng, biết ơn và noi theo tấm gương một người Cộng sản kiên trung, mẫu mực. Đồng chí Hồ Nghinh là người có đầy đủ những đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn; là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.