Hồ Nhật Nguyệt của Đài Loan lộ đáy vì hạn hán thế kỷ
Đáy hồ Nhật Nguyệt cạn khô tại Đài Loan trở thành biểu tượng của trận hạn hán tồi tệ nhất trên hòn đảo này trong hơn nửa thập kỷ trở lại.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi giảm 90% so với năm ngoái”, Wang Ying-shen, chủ tịch nhóm các tiểu thương cung cấp dịch vụ cho khách tham quan thuê thuyền quanh hồ Nhật Nguyệt, cho biết, New York Times đưa tin ngày 10/5.
Hạn hán kéo dài nhiều tháng làm nước trong con hồ tự nhiên lớn nhất của Đài Loan cạn kiệt. Một số phần của đáy hồ bắt đầu mọc cỏ. Những ụ nổi nay phải nằm trên bùn khô. Thuyền chở du khách bị bỏ một chỗ.
Lượng mưa trong 7 tháng đến hết tháng 2 thấp hơn mức trung bình trong lịch sử. Năm 2020 cũng là lần đầu tiên trong 56 năm hòn đảo này không gặp một cơn bão nào, theo nhà chức trách tại đây.
Giới chức trên hòn đảo gọi đây là trận hạn hán tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ. Trận hạn hán này gây sức ép cho ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan vì công ty sản xuất chip ở đây dùng rất nhiều nước để rửa công xưởng và đĩa bán dẫn. Đài Loan chiếm hơn 90% công suất chế tạo những con chip hiện đại nhất của thế giới.
Nông dân trồng lúa, rễ sen, và các hoa màu cần nước khác cũng chịu hậu quả. “Hoa sen và hạt giống tôi gieo xuống không cho năng suất tốt”, Chen Chiu-lang, một nông dân tại thành phố Đài Nam, nói trong lúc đứng giữa đồng ruộng khô hạn.
Hộ gia đình trong những vùng bị áp lệnh hạn chế cao độ sẽ không có nước sinh hoạt hai ngày mỗi tuần. Những vùng này bao gồm Đài Trung - thành phố lớn thứ hai của Đài Loan với 2,8 triệu người; Tân Trúc - một trong những nơi sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới; Đài Nam; và Cao Hùng.
Wang Mei-hua, người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan, cảnh báo các hạn chế trên có thể bị siết chặt.
Nhà chức trách đang đào thêm giếng và cho máy bay quân sự rải hóa chất tạo mây nhằm thúc đẩy mưa. Tháng 3, bà Wang đã phân bổ 2,5 tỷ tân đài tệ (tương đương 96 triệu USD) làm ngân sách cho khoan giếng và xây dựng các cơ sở khử mặn nước biển khẩn cấp.