Hồ nước 50 nghìn tuổi từ thiên thạch bất ngờ đổi màu hồng
Hồ Lonar ở bang Maharashtra của Ấn Độ, một hồ nước được tạo ra sau khi thiên thạch va vào Trái Đất, đã bất ngờ chuyển thành màu hồng.
Điều gì khiến nước chuyển sang màu hồng?
Đó là câu hỏi xuất hiện trong tâm trí của người dân trên khắp nước Ấn Độ sau khi hồ Lonar ở bang Maharashtra đột nhiên thay đổi màu trong những ngày gần đây, theo CNN.
Các chuyên gia tin rằng sự nước hồ có thể bị đổi màu do độ mặn trong nước tăng lên hoặc sự hiện diện của tảo hay đây có thể là sự kết hợp của cả hai như một phần của hồ Muối Lớn ở Utah, Mỹ hoặc hồ Hillier ở Australia.
Trong một video được đăng tài khoản Twitter của cơ quan du lịch Maharashtra, ông Gajanan Kharat, một nhà địa chất địa phương, cho biết, rằng nước trước đây từng đổi màu, nhưng nó không nổi bật như hiện tại.
"Nước hồ có màu đặc biệt đỏ trong năm nay vì độ mặn của nước đã tăng lên", ông Kharat nói. "Lượng nước trong hồ đã giảm và hồ trở nên cạn hơn. Do đó, độ mặn của hồ đã tăng lên và điều này gây ra một số thay đổi với nước hồ".
Ông Kharat nói rằng các nhà nghiên cứu cũng đang kiểm tra xem sự hiện diện của tảo đỏ có gây ra sự thay đổi màu sắc của nước hồ hay không.
Các mẫu nước đang được gửi đến một số phòng thí nghiệm, ông nói, và "một khi chúng được phân tích, chúng tôi sẽ có thể kết luận tại sao nước hồ lại chuyển sang màu đỏ".
Hồ Lonar, chiếc hồ nằm cách Mumbai khoảng 500 km về phía đông, được hình thành sau khi một thiên thạch rơi xuống Trái Đất vào khoảng 50.000 năm trước, theo CNN News 18 trực thuộc CNN. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng và đã được các nhà khoa học trên khắp thế giới nghiên cứu.