Hồ nước tự nhiên duy nhất ở Sicily trơ đáy

Hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sicily của Italy đã gần như làm cạn kiệt hồ nước tự nhiên duy nhất trên đảo Pergusa, điểm dừng chân của các loài chim di cư giữa châu Phi và châu Âu.

Đây được coi là tín hiệu không lành với hệ đa dạng sinh học tại hồ Pergusa, nơi có vẻ đẹp được ví như “mùa Xuân vĩnh cửu”.

Lượng mưa tại Sicily trong nhiều tháng đã ở dưới mức trung bình trong bối cảnh Chính phủ Italy phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì nguy cơ hạn hán tàn phá mùa màng và đồng cỏ.

Theo các nhà khoa học, hồ Pergusa, có diện tích bề mặt khoảng 1,8 km2 và không kết nối với bất kỳ con sông nào, là một phần của khu bảo tồn thiên nhiên gần thị trấn Enna ở miền Trung Sicily. Diện tích mặt hồ đã bị thu hẹp đáng kể do thời tiết nóng bức kết hợp với lượng mưa quá thấp.

Theo Giuseppe Maria Amato, thành viên nhóm bảo vệ môi trường Legambiente, hồ gần như cạn trơ đáy. Đáng lo ngại, các nhà khoa học cảnh báo hạn hán có thể gây tổn hại vĩnh viễn đến đa dạng sinh học xung quanh hồ.

Chuyên gia khí hậu Luigi Pasotti đánh giá việc hồ bị khô cạn hoàn toàn và không được bổ sung nước vào mùa Thu sẽ là thảm họa, nhấn mạnh tác động từ biến đổi khí hậu đang bắt đầu gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được.

Thực trạng trên hồ Pergusa cũng là bằng chứng rằng Sicily đang gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu, cùng với điều kiện bảo trì kém và hệ thống thoát nước không được nâng cấp thường xuyên đã khiến tình trạng khẩn cấp trở nên trầm trọng hơn.

Biến đổi khí hậu từ lâu đã khiến Sicily phải hứng chịu nhiệt độ cao, như kỷ lục 48,8 độ C (119 độ F) vào năm 2021 và một số thị trấn đã phải áp dụng chế độ phân phát điều tiết nước.

Lượng mưa chỉ có 250 mm trong 12 tháng qua ở Sicily đã ảnh hưởng tới hoạt động canh tác nông nghiệp, vốn có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế địa phương. Tình trạng thiếu nước đang gây tổn hại cho ngành nông nghiệp ở các khu vực miền Trung, khi các hồ chứa đang cạn kiệt hoặc có mực nước rất thấp.

Theo các hiệp hội nông dân địa phương, lo ngại nguy cơ thiệt hại các vườn cây ăn quả như đào, ô liu nên các hộ sản xuất tại địa phương phải mua nước với giá rất cao và giải pháp này cũng khó duy trì lâu.

Không chỉ riêng Italy, khủng hoảng vì hạn hán đã xảy ra ở nhiều nơi ở châu Âu trong những năm gần đây, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực Địa Trung Hải, nơi nhiệt độ trung bình hiện nay cao hơn 1,5 độ C so với 150 năm trước.

Nguyễn An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ho-nuoc-tu-nhien-duy-nhat-o-sicily-tro-day/339919.html