Hồ phòng ngừa sự cố môi trường: Nhà đầu tư gặp khó
Theo quy định của pháp luật về môi trường, hệ thống xử lý nước thải có công suất từ 50m3/ngày đêm trở lên phải có công trình, hồ, bể phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Việc thực hiện công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường kết thúc trước ngày 31-12-2020. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa thể triển khai bởi chi phí xây dựng lớn, quỹ đất không còn trong khi hiệu quả sử dụng thấp.
* Phải có hồ phòng ngừa sự cố
Nghị định 40/2019/NĐ-CP (Nghị định 40) của Chính phủ ban hành ngày 13-5-2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 có nội dung, dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường (có phụ lục kèm theo), hệ thống xử lý nước thải phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và có công trình phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường.
Về quy mô, dự án có khối lượng nước thải theo thiết kế là 50m3/ngày đêm trở lên phải có bể phòng ngừa sự cố có khả năng lưu chứa nước thải 1 ngày; dự án có khối lượng nước thải theo thiết kế là 500m3/ngày đêm trở lên phải có hồ phòng ngừa sự cố có khả năng chứa nước thải trong 2 ngày và công trình trên 5 ngàn m3/ngày đêm phải có hồ phòng ngừa sự cố kết hợp với hồ sinh học có khả năng lưu nước thải trong 3 ngày. Trường hợp KCN, dự án chưa có công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố phải có kế hoạch xây lắp và gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau khi hoàn thành phải lập hồ sơ xác nhận công trình trước ngày 31-12-2020.
Tại văn bản số 1101/UBND-KTN ngày 28-1-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao phải thực hiện nghiêm việc xây dựng bể, hồ ứng phó sự cố theo quy định tại Nghị định 40 và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31-12-2019 của Bộ TN-MT. Khi xảy ra sự cố trong quá trình xử lý nước thải, các khu xử lý nước thải tập trung phải ngưng tiếp nhận nước thải của doanh nghiệp trong KCN, ngưng sản xuất, đồng thời báo cáo ngay cho Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và Sở TN-MT phối hợp xử lý.
Thực hiện quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây bể, hồ phòng ngừa sự cố môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp, KCN chưa triển khai do chưa bố trí được nguồn vốn, quỹ đất.
* Làm khó nhà đầu tư?
Theo Phòng TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây hồ, bể ứng phó với sự cố môi trường theo quy định nhưng hiệu quả sử dụng không cao. Nguyên nhân là do, các doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, có lưu lượng nước thải lớn đều phải đầu tư công trình chứa nước thải, đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc phải ký hợp đồng với các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN theo quy định của pháp luật. Những nội dung này được thẩm định, phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Việc đầu tư thêm hồ, bể để phòng ngừa vừa tốn kém chi phí xây dựng, diện tích vừa phải có thiết bị, con người để duy trì vận hành. Chẳng hạn mùa mưa, nếu không hút nước, làm sạch bể thường xuyên sẽ phát sinh ấu trùng, rong rêu. Bể phòng ngừa sự cố môi trường trở thành nguồn cơn gây ô nhiễm.
“Theo báo cáo từ các chủ đầu tư hạ tầng, hiện các KCN trên địa bàn tỉnh gần như không còn quỹ đất để triển khai xây dựng hồ phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của Nghị định 40. Cũng chưa có văn bản hướng dẫn cấu trúc, tiêu chuẩn kỹ thuật của hồ, bể phòng ngừa sự cố. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Bộ TN-MT về những vướng mắc này nhưng chưa có hướng dẫn phản hồi” - đại diện Phòng TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai thông tin.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho biết, 2 KCN mà đơn vị làm chủ đầu tư hạ tầng (Dầu Giây, Long Khánh) đang trong quá trình mở rộng nên việc đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung, công trình phòng ngừa sự cố môi trường thuận lợi. Hiện 2 KCN này và các nhà máy chế biến mủ cao su của tổng công ty đều đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, việc đầu tư công trình phòng ngừa sự cố môi trường đối với các KCN đã lấp đầy, các dự án đã được phê duyệt trước khi có Nghị định 40 không dễ do quỹ đất hạn hẹp.