Hố sâu nợ công ngày càng mở rộng - vấn đề nghiêm trọng nhất của kinh tế Pháp

Tính đến cuối tháng 6/2024 nợ công của Pháp đạt con số kỷ lục 3.159,7 tỷ USD, tương đương hơn 110% GDP, trong khi nợ công của Đức ở mức 2.622 tỷ USD.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Rennes, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Rennes, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bài viết của tác giả Massima Nava, đăng trên mạng Corriere della Sera, Italy, cuối tháng Tám đã đề cập thực tiễn đầy khó khăn của nền kinh tế Pháp trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, từ đó gây tác động tiêu cực đến sự ổn định chung trong Liên minh châu Âu (EU).

Nền kinh tế Pháp đang trong tình trạng không tốt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng và có dấu hiệu suy thoái. Bảng xếp hạng các cường quốc công nghiệp vẫn đặt Pháp trong nhóm đứng đầu, song thâm hụt thương mại đã ở mức 100 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất là hố sâu nợ công ngày càng mở rộng.

Tính đến cuối tháng 6/2024 nợ công của Pháp đạt con số kỷ lục 3.159,7 tỷ USD, tương đương hơn 110% GDP, trong khi nợ công của Đức ở mức 2.622 tỷ USD. Xét theo giá trị tuyệt đối, nợ công của Pháp cao nhất ở châu Âu. Trong đó, thâm hụt y tế công cộng là 16,6 tỷ USD mỗi năm. Chi phí trả nợ gần 60 tỷ, vượt mức chi tiêu cho giáo dục.

Ngay trong thời gian diễn ra Thế vận hội Paris 2024, Ủy ban châu Âu đã mở quy trình về thâm hụt ngân sách quá mức, đánh giá gay gắt biên độ trong năm 2023 (5,5% GDP) và dự báo cho những năm tiếp theo. Tình hình dù nghiêm trọng đến đâu, vẫn có thể được giải quyết với một chính phủ hoạt động đầy đủ và được đa số các lực lượng chính trị ủng hộ.

Tuy nhiên kể từ tháng 7/2024, Pháp không có chính phủ, tình hình chính trị bế tắc. Hơn nữa, khả năng thu hẹp chi tiêu công còn giảm sút hơn nữa nếu phân tích đặc tính của các lực lượng chính trị giữ vai trò quyết định hiện nay. Cả cánh tả và cánh hữu đều phản đối quyết liệt mọi kế hoạch kìm hãm. Các lực lượng này đều ủng hộ tăng chi tiêu xã hội, thậm chí bãi bỏ cải cách lương hưu gần đây.

Pháp có thời hạn đến ngày 20/9 để trình bày với EC một kế hoạch trung hạn về các biện pháp mà nước này dự định tiến hành để đưa ngân sách trở lại đúng quỹ đạo, nếu không sẽ có nguy cơ bị trừng phạt tài chính nặng nề.

Ngoài 10 tỷ euro tiết kiệm cần trang trải trong năm nay và 25 tỷ euro cho năm 2025, một báo cáo từ Hội đồng phân tích kinh tế (Conseil d'analyse économique) ước tính nỗ lực điều chỉnh cần thiết để ổn định nợ công sẽ tốn kém 112 tỷ euro trong vòng 7-12 năm.

Nợ công của Pháp đã tăng từ mức tương đương 20% GDP năm 1980 lên 110% GDP hiện nay. Dù vẫn thấp hơn nhiều so với Italy theo tỷ lệ phần trăm, nhưng vẫn đáng lo ngại do những khó khăn về mặt lịch sử và cấu trúc trong việc đảo ngược xu hướng. Thêm vào đó là nền kinh tế ngầm của Pháp không tạo ra được những bộ giảm xóc “kiểu Italy."

Các cơ quan xếp hạng cảnh báo hạ mức tín nhiệm nợ của Pháp, đồng nghĩa với việc tăng lãi suất. S&P đã làm như vậy trong những tháng gần đây. Pháp có thể tự an ủi mình với thực tế là các thủ tục đòi nợ quá mức cũng đã được tiến hành đối với Đức. Tuy nhiên, nợ chính phủ của Pháp dễ bị tổn thương hơn vì 55% trong số đó do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.

Pháp có nguy cơ bị thị trường và các đối tác châu Âu trừng phạt, dẫn đến GDP giảm mạnh và thất nghiệp, nghèo đói gia tăng.

Bộ trưởng kinh tế tiếp theo, nếu có chính phủ trong những tuần tới, sẽ phải chuẩn bị dự luật tài chính cho năm 2025 và phải trình Quốc hội chậm nhất là vào thứ Ba đầu tiên của tháng 10. Đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ho-sau-no-cong-ngay-cang-mo-rong-van-de-nghiem-trong-nhat-cua-kinh-te-phap-post973983.vnp