Hồ sơ an toàn vượt trội suốt 30 năm của mẫu Boeing 'chiến mã' vừa gặp nạn ở Hàn Quốc

Mẫu Boeing 737 trong vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air tại Hàn Quốc có hồ sơ an toàn ấn tượng và được hầu hết các hãng hàng không trên thế giới sử dụng.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa trên máy bay Boeing 737-800 gặp nạn ở sân bay quốc tế Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc ngày 29/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa trên máy bay Boeing 737-800 gặp nạn ở sân bay quốc tế Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc ngày 29/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo trang businessinsider.com ngày 31/12, mẫu máy bay Boeing 737-800 là một trong những dòng máy bay chở khách được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Có khoảng 4.400 chiếc đang hoạt động cho gần 200 hãng hàng không.

Mẫu này xuất hiện trước dòng Max vốn gặp nhiều vấn đề. Trong gần 30 năm hoạt động, mẫu 737-800 liên quan đến 1.100 trường hợp tử vong trong 17 vụ tai nạn. Theo dữ liệu của Mạng lưới An toàn Hàng không, tỷ lệ tai nạn này được xem là khá thấp, xét đến số lượng máy bay được sản xuất và hàng triệu chuyến bay đã hoàn thành. Mẫu máy bay này vẫn là trụ cột của ngành hàng không toàn cầu.

Ông Geoffrey Thomas tại tạp chí hàng không Airline News của Anh nhận định: “Boeing 737-800 là một máy bay tuyệt vời, được coi như 'chiến mã' của ngành hàng không toàn cầu. Đây là một trong những máy bay đáng tin cậy nhất”.

Lỗi con người là nguyên nhân chính trong hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến Boeing 737-800.

Video đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ tai nạn máy bay Boeing 737-800 ở Hàn Quốc (Nguồn: Reuters):

Vụ tai nạn chết người đầu tiên xảy ra vào năm 2006, liên quan chuyến bay của Gol Airlines tại Brazil. Chiếc máy bay đã va chạm trên không với một máy bay tư nhân, làm máy bay bị gãy và toàn bộ 154 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng. Các nhà điều tra kết luận lỗi thuộc về một kiểm soát viên không lưu và phi công của máy bay tư nhân.

Lỗi phi công cũng là nguyên nhân trong một số vụ tai nạn khác như vụ rơi máy bay của Kenya Airways năm 2007, hai vụ tai nạn của Air India Express năm 2010 và 2020, vụ tai nạn của Flydubai năm 2016.

Tuy nhiên, một số vụ tai nạn liên quan đến các yếu tố khác. Vào năm 2020, một chuyến bay của Ukraine International Airlines bị Iran bắn hạ, khiến 176 người thiệt mạng.

Năm 2022, một chiếc Boeing 737-800 của China Eastern Airlines lao thẳng xuống đất, khiến 132 người thiệt mạng. Theo một báo cáo của Wall Street Journal cùng năm, các quan chức Mỹ cho rằng có thể có người trong buồng lái cố tình làm rơi máy bay.

Năm 2007, một máy bay của China Airlines gặp tai nạn nhưng không gây thiệt hại về người. Theo kết luận của các nhà điều tra Nhật Bản, nguyên nhân là do lỗi của thợ máy và hướng dẫn bảo trì không đầy đủ từ Boeing.

Sau vụ tai nạn, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu các hãng vận hành mẫu 737 tại Mỹ đảm bảo vấn đề bảo trì.

Boeing 737-800 thuộc dòng máy bay "thế hệ tiếp theo" (NG) của Boeing, cùng với các mẫu 737-600, 737-700 và 737-900. Mẫu máy bay này bắt đầu bay từ năm 1998, cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320.

Dòng NG được nâng cấp để cải thiện tầm bay và hiệu quả nhiên liệu. Boeing 737-800 có thể bay khoảng 5.470 km và chở tối đa 189 hành khách, phù hợp với các chuyến bay ngắn và trung bình.

Theo dữ liệu của Cirium, năm 2024, các hãng hàng không thương mại đã vận hành mẫu 737-800 trong gần 5,9 triệu chuyến bay. Hơn 6,2 triệu chuyến bay sử dụng mẫu này đã được lên kế hoạch đến tháng 11/2025.

American Airlines là hãng khai thác nhiều máy bay 737-800 nhất với 303 chiếc, tiếp theo là Ryanair (205 chiếc) và Southwest Airlines (204 chiếc). Các hãng hàng không của Mỹ như Alaska Airlines, Avelo Airlines, Delta Air Lines, Sun Country Airlines và United Airlines cũng sử dụng mẫu máy bay này.

Boeing 737-800 không có hệ thống MCAS (Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay), yếu tố được cho là gây ra hai vụ tai nạn của dòng 737 Max vào các năm 2018 và 2019, khiến 346 người thiệt mạng.

Nhờ động cơ mạnh hơn và tiết kiệm nhiên liệu, dòng Max có tầm bay xa hơn khoảng 800 km so với 737-800 và chở được nhiều hành khách hơn.

Boeing đã ngừng sản xuất mẫu 737-800 vào cuối năm 2019 khi dòng NG được thay thế bằng dòng Max. Hiện có khoảng 4.800 máy bay Max đang được đặt hàng. Quá trình sản đã được nối lại vào tháng 12 sau khi một cuộc đình công của công nhân tại các nhà máy ở Washington kết thúc.

Một ngày sau vụ tai nạn máy bay của hãng Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng, ngày 30/12, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ kiểm tra an toàn đối với tất cả máy bay Boeing 737-800 đang được các hãng hàng không trong nước khai thác. Một quan chức Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết chính phủ có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng xem liệu các hãng hàng không có tuân thủ đúng các quy định khác nhau đối với dòng máy bay Boeing này hay không, bao gồm kiểm tra tỷ lệ sử dụng máy bay, quy trình kiểm tra bay và hồ sơ bảo dưỡng. Nhiều hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc sử dụng Boeing 737-800. Trong đó, hãng hàng không giá rẻ Jeju Air khai thác số lượng máy bay này nhiều nhất với 39 chiếc trong đội bay. Bộ có kế hoạch tiến hành kiểm tra an toàn nghiêm ngặt đối với hãng hàng không Jeju Air sau khi liên tục xảy ra sự cố về bánh đáp. Động thái được đưa ra sau khi một chuyến bay khác của Jeju Air đã phải quay trở lại sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Gimpo do sự cố về bánh đáp tương tự như trong vụ tai nạn hôm 29/12. Vụ việc này cũng liên quan đến cùng loại máy bay Boeing B737-800.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ho-so-an-toan-vuot-troi-suot-30-nam-cua-mau-boeing-chien-ma-vua-gap-nan-o-han-quoc-20241231104805421.htm