Hồ sơ chấn động hé lộ ông Macron 'đi đêm' với Uber
Tổng thống Macron ôm tham vọng lớn tạo ra những kỳ lân công nghệ của riêng Pháp và châu Âu, thay vì để khu vực trở thành một chi nhánh cho những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ.
Nếu có điều gì đáng chú ý từ vụ rò rỉ tài liệu của tập đoàn công nghệ Uber, ngoài những cách thức mờ ám mà công ty công nghệ này đã sử dụng để thâm nhập thì trường châu Âu, thì đó là quan hệ ngày càng xấu đi giữa các tập đoàn công nghệ Mỹ với giới chức châu Âu, mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một gương mặt tiêu biểu, theo Washington Post.
Từ nồng ấm sang căng thẳng
Trong quá khứ, quan hệ giữa các ông chủ người Mỹ và giới chức châu Âu trải qua những giai đoạn nồng ấm, dựa trên kỳ vọng về hàng nghìn việc làm mới mà Uber mang lại cho lục địa già. Nhưng tình thế lúc này đã đảo chiều hoàn toàn.
EU cho rằng tập đoàn công nghệ Mỹ đã trở nền quá độc quyền, một phần bởi thiếu sự giám sát từ cơ quan chức năng, và Brussels quyết thay đổi điều này.
EU muốn đánh thuế các công ty công nghệ mạnh tay hơn, kiểm soát hoạt động gắt gao hơn, và cuối cùng là tạo ra gã khổng lồ công nghệ riêng của mình.
Những thông điệp cá nhân mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi tới CEO Trasvis Kalanick là ví dụ rõ ràng nhất cho quan hệ đảo chiều giữa EU và Uber.
Năm 2014, ông Macron còn là bộ trưởng Tài chính trong chính quyền cánh tả của Thủ tướng Francois Hollande. Thời điểm đó, Uber đang mạnh tay vận động hành lang để vượt qua các rào cản tiếp cận thị trường khắt khe của Pháp.
Theo những gì mà vụ rò rỉ vừa qua tiết lộ, ông Macron khi đó đã tìm cách hỗ trợ các nỗ lực của Uber. Ông Macron tham gia sửa đổi các điều luật để nới lỏng các yêu cầu trong cấp phép cho tài xế Uber.
Thoạt nghe, điều ông Macron làm có vẻ mờ ám và thậm chí sai phạm. Nhưng thực tế, đó là những điều mà đa phần các bộ trưởng Tài chính phải làm để đổi lấy có thêm việc làm cho người dân cũng như đầu tư nước ngoài.
Với ông Macron, khi đó vẫn là một gương mặt khá vô danh, việc tiếp xúc với các CEO đầy quyền lực, giúp tập đoàn Mỹ chen chân vào thị trường Pháp có lẽ là một công việc hấp dẫn. Xét cho cùng, hình ảnh ban đầu mà ông Macron xây dựng là người phá vỡ các truyền thống, biến nước Pháp thành quốc gia sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đổi mới sáng tạo.
Nhưng là một tân binh, ông Macron đã mắc lỗi sơ đẳng ở chỗ không nắm bắt được sự phản ứng dữ dội đối với mô hình xã hội mới mà ông theo đuổi.
Giấc mơ châu Âu khởi nghiệp
Lúc này ông Macron đã ở nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Ông vẫn theo đuổi giấc mơ quốc gia khởi nghiệp, cũng như muốn tìm ra một kỳ lân công nghệ mới ngay tại nước Pháp.
Nhưng thay vì để đất nước trở thành một công ty con cho các tập đoàn công nghệ Mỹ, mục tiêu rất rõ ràng của Tổng thống Macron là mang miếng bánh công nghệ về cho các doanh nghiệp Pháp.
Tổng thống Macron coi phát triển công nghệ trong nước là phương tiện để hiện đại hóa nền kinh tế Pháp. Mục tiêu của ông là đưa con số công ty khởi nghiệp có trị giá trên một tỷ USD của Pháp lên 100 vào năm 2030, con số này hiện là 28.
Nhà lãnh đạo nước Pháp cho rằng châu Âu nên tập trung phát triển 10 công ty công nghệ khổng lồ của riêng mình, để trong vòng 5 năm tới, chúng có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Tầm nhìn của ông Macron đã phổ biến trong nội bộ EU. Paris là người dẫn đẫu nỗ lực của EU buộc các công ty công nghệ Mỹ hoạt động ở châu Âu phải đóng thuế cao hơn, dù Đức - nền kinh tế lớn nhất khối - tỏ ra rụt rè với cách tiếp cận cứng rắn này.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đẩy vấn đề thuế doanh nghiệp tối thiểu ra gần như mọi hội nghị quốc tế cấp cao mà ông tham dự.
Dưới tác động của Tổng thống Macron, EU đã tư duy và hành động theo sự dẫn dắt của Pháp. Một loạt bộ luật mà EU ban hành hoặc sắp ban hành nhằm khắc phục tình trạng các tập đoàn Mỹ thống trị thị trường công nghệ châu Âu.
Ví dụ như Đạo luật Thị trường kỹ thuật số nhằm trấn áp các hành vi chống cạnh tranh, với chế tài xé nhỏ các công ty cố tình vi phạm nhiều lần.
Ngoài ra, Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số buộc các công ty công nghệ tăng cường kiểm duyệt nội dung hoặc đối mặt hình phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm.
EU cũng ban hành Đạo luật về vi mạch, nhằm huy động hàng tỷ USD thúc đẩy sản xuất vi mạch ở châu Âu. EU miêu tả đây là bước đi căn bản nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn và công nghệ của riêng khối.
Thierry Breton, cựu Giám đốc một doanh nghiệp Pháp hiện là Cao ủy châu Âu về thị trường nội khối, là người có công lớn giúp thông qua Đạo luật về vi mạch. Breton cũng thường chĩa mũi dùi vào ông chủ các tập đoàn công nghệ Mỹ như Mark Zuckerberg.
Breton đồng thời chỉ trích các phát ngôn mà ông coi là tự do quá đà của CEO Tesla Elon Musk, cho rằng châu Âu có tiêu chuẩn tự do ngôn luận khác so với Mỹ và mọi doanh nghiệp cần tuân thủ nếu muốn ở lại làm ăn.
Hiển nhiên, hồ sơ Uber bị rò rỉ không phải điều tốt lành cho Tổng thống Macron. Những cuộc gặp hay thỏa thuận mờ ám giữa giới chức châu Âu và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ là điều cần bị rà soát.
Nhưng đồng thời, Hồ sơ Uber cũng cho thấy khởi đầu quan hệ suôn sẻ với giới chức châu Âu, như những gì Uber từng có với ông Macron, không bảo đảm con đường êm thấm trong tương lai cho doanh nghiệp, đặc biệt nếu họ không tuân thủ các điều luật ngày càng khắt khe của EU.