Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 5
Có một sự thật nghiệt ngã là ngoại giao không phải lúc nào cũng hướng tới hòa bình. Đằng sau những 'lời lẽ hoa mỹ' và cái 'bắt tay xã giao' là một 'ván cờ quyền lực' đầy toan tính trong những tháng đầu súng nổ trên đất Ukraine, nơi những 'mật mã ngoại giao' chỉ được giải mật bởi thời gian và diễn biến chiến trường.
Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 1: Ma trận địa chính trị Ukraine - Giải mã ngòi nổ chiến tranh
Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 2: Con đường dẫn tới chiến tranh
Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 3: Đòn phủ đầu và ván cờ sinh tử của Putin
Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 4: Bình minh sấm sét và gót chân asin của quân đội nga trong 60 ngày đầu

Vì sao cựu thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu tổng thống Pháp Francois Hollande lại bất ngờ "vén màn" bí mật về thỏa thuận Minsk sau 10 năm? Thông điệp ẩn sau những lời "thú nhận muộn màng" này là gì? Và động thái ngoại giao của các chính trị gia phương Tây thể hiện trong buổi bình minh sấm sét của cuộc chiến, thực sự MANG THÔNG ĐIỆP GÌ về ván cờ địa chính trị toàn cầu?
Ngày 24/2/2022, bão tố Volga ập xuống mảnh đất Ukraine. Các chiến trường rực lửa, bắt đầu cho một buổi bình minh sấm sét của chiến tranh. Cũng vào những tháng đầu sau khi súng nổ này, còn có một cuộc chiến âm thầm diễn ra trên một "mặt trận" khác, vô hình nhưng quyết liệt không kém: Mặt trận ngoại giao.
Nếu chiến trường đổ máu phơi bày sức mạnh quân sự, thì mặt trận ngoại giao lại ẩn giấu mật mã của những ý đồ chính trị, những toan tính chiến lược âm thầm phía sau tấm màn nhung được kéo lên một cách khéo léo.
Trước và ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, các phát ngôn và động thái ngoại không chỉ là công cụ trao đổi, đàm phán, thể hiện quan điểm, mà còn là thứ vũ khí, lá chắn, thậm chí là công cụ ngụy trang cho một màn kịch được đạo diễn bởi các cường quốc.
Vì sao cựu thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu tổng thống Pháp Francois Hollande lại bất ngờ "vén màn" bí mật về thỏa thuận Minsk sau 10 năm? Thông điệp ẩn sau những lời "thú nhận muộn màng" này là gì? Và động thái ngoại giao của các chính trị gia phương Tây thể hiện trong buổi bình minh sấm sét của cuộc chiến, thực sự hé lộ điều gì về ván cờ địa chính trị toàn cầu?
MÀN KỊCH ĐƯỢC GIẤU KÍN VÀ THÔNG ĐIỆP CỦA CÁC CHÍNH TRỊ GIA

Tại sao đến tận tháng 12/2022, sau khi cuộc chiến tại Ukraine đã nổ ra được 10 tháng, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu tổng thống Pháp Holland mới tiết lộ rằng 2 thỏa thuận Minsk được ký nhằm mục đích kéo dài thời gian để phương Tây tái vũ trang và tăng cường tiềm lực quân sự cho Ukraine? Vào thời điểm phát biểu, cả hai nguyên thủ này đều đã nghỉ hưu và hoàn toàn không có ý định quay lại chính trường.
“Thỏa thuận Minsk năm 2014 là một cố gắng nhằm giúp cho Ukraine có thêm thời gian. Ukraine cũng sử dụng thời gian này để trở nên mạnh hơn, như chúng ta đang thấy hôm nay”, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định. Cựu tống thống Pháp Francois Hollande bình luận: “Đúng thế, Angela Merkel đã đúng ở điểm này”.

Họ đã từng đứng trên đỉnh cao quyền lực ở của mỗi quốc gia nên đây hoàn toàn không phải là những phát ngôn chỉ để lấy danh tiếng. Ở vị thế của họ, cách tốt nhất là sẽ không phát ngôn gì về những việc đang diễn ra và càng không nên nói về những sự kiện mà họ là tác giả tạo ra trước đó. Trên thực tế, việc họ nói ra mục đích của phương Tây đối với 2 thỏa thuận Minsk chỉ là một màn kịch kéo dài thời gian cho Ukraine sẽ khiến cho họ, về mặt cá nhân, trở thành hai nguyên thủ phương Tây công khai thừa nhận thủ đoạn lừa dối ngoại giao của mình.
Bà Merkel là một chính khách chuyên nghiệp và làm thủ tướng Đức trong 16 năm liền. Vốn là một người kiệm lời, bà chưa mắc phải một sai lầm nghiêm trọng nào trong phát ngôn suốt quãng thời gian tại vị. Cuộc phỏng vấn của Die Zeit là một cuộc phỏng vấn rất dài và được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Do đó, khả năng lỡ lời của bà là gần như không có.
Trong khi đó, ông Hollande cũng là một nhà chính khách chuyên nghiệp. Trước khi làm tổng thống, ông đã là quan chức cao cấp của chính phủ nhiều năm nên khả năng lỡ lời rất thấp. Hơn nữa, cuộc phỏng vấn đối với ông diễn ra sau cuộc phỏng vấn của Merkel 1 tuần và những gì bà ấy nói đã trở thành một cơn sốc cho dự luận quốc tế. Ông Hollande không thể không biết điều đó và càng không thể lỡ lời về việc đó. Như vậy có thể chắc chắn rằng cả 2 người đều nói ra việc này một cách có chủ đích và vào đúng thời điểm mà họ cho là phù hợp.
Chúng ta sẽ giải mã thông điệp này như thế nào? Xét về mặt động cơ phát ngôn của các cựu chính trị gia, có 2 khả năng và ứng với mỗi khả năng sẽ có một động cơ phát ngôn đi kèm với thời điểm thích hợp để các vị chính khách này tiết lộ những bí mật đã được giữ kín trong 8 năm.
Khả năng thứ nhất, động cơ phát ngôn của bà Merkell và ông Hollande là tiết lộ bí mật để mọi người biết được công lao của họ. Điều này có nghĩa là Ukraine đang chiến thắng tại thời điểm đó, và vì thế họ nói ra để cho mọi người thấy rằng thắng lợi của Ukraine là do họ kiến tạo (đã thuyết phục được Putin ký vào 2 thỏa thuận Minsk để cho Ukraine có thời gian xây dựng lại lực lượng vũ trang và chiến thắng – theo cách tiếp cận của phương Tây).
Tuy nhiên, nếu vậy thì thời điểm họ phát ngôn hợp lý nhất phải là vào khoảng tháng 9/2022, ngay sau khi Ukraine phản công và giải phóng được 1 vùng rộng 2.000 km2 tại phía nam Kharkov. Cuộc tấn công của Ukraine phát triển nhanh chóng và quân Nga liên tục rút lui, bỏ lại những vị trí đặc biệt chiến lược như Izyum.

Quân đội Nga rút lui khỏi thành phố Kherson ở Ukraine tháng 11/2022.
Vào thời điểm đó không ai biết quân chủ lực của Nga ở đâu và tại sao họ thiệt hại rất ít, nhưng phải bỏ một vùng rộng lớn 2.000 cây số vuông một cách nhanh chóng (mặc dù trước đó họ phải chiến đấu mất 1 tháng rưỡi để chiếm được vùng này). Đây mới chính là thời điểm thuận lợi nhất cho các phát ngôn với mục đích “kể công”.
Một thời điểm khác, dù không thuận lợi như ở thời điểm trên, là khi quân Nga rút khỏi Kherson vào ngày 8/11/2022. Tuy nhiên vào thời điểm này, ai cũng biết rằng Ukraine không có một thắng lợi quân sự thực sự. Quân Nga trước đó đã chặn đánh thành công mọi cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kherson và sau đó đã có một cuộc rút lui hoàn hảo. Truyền hình Nga công bố cảnh những người lính đặc nhiệm Nga rút lui cuối cùng đi bộ một cách thản nhiên qua cầu phao về bờ Đông của sông Dniepper. Chỉ vài ngày sau khi quân Nga rút, quân đội Ukraine mới tiến vào Kherson.
Khả năng thứ hai thể hiện dự cảm của hai vị chính khách này về những bất lợi trên chiến trường đối với Ukraine, và họ buộc phải lên tiếng. Thời điểm mà Merkel và Hollande công bố thông tin diễn ra trùng khớp với diễn biến thực tế khi Ukraine đã bắt đầu đuối sức, tình hình bắt đầu tuyệt vọng và người Nga chắc chắn đã quyết định một cuộc chiến tranh khốc liệt đến cùng trong chiến dịch quân sự này.
Khi cuộc chiến bắt đầu chuyển sang một bước ngoặt có thể dẫn tới những yếu tố bất lợi cho Ukraine, các chính trị gia sẽ tìm mọi cách để bảo vệ uy tín của chính mình (nếu có thể). Trong trường hợp này, các chính trị gia đã về hưu sẽ là người có thể tiến hành các biện pháp bảo vệ mình mà không chịu nhiều ràng buộc như các chính trị gia đương chức. Với các chính trị gia đương chức, nếu họ đưa ra thông điệp rằng Ukraine đang thua thì sẽ rất bất lợi cho chính họ và cho cả Ukraine. Họ sẽ bị lên án vì không ủng hộ Ukraine hết mức. Các chính trị gia đã về hưu thì không lo sợ điều đó. Hơn nữa, nếu nói ra càng sớm việc họ đã giúp Ukraine trước kia như thế nào thì trách nhiệm trước lịch sử của họ càng nhẹ, và rằng trước đây, họ đã từng cố gắng hết sức để tạo lợi thế cho Ukraine trong cuộc chiến này.
Tiếp sau Merkel và Hollande, cựu thủ tướng Israel, Naftali Bennett, hôm 4/2/2023 khẳng định ông từng là người trung gian hòa giải gần như thành công giữa Putin và Zelensky trong vấn đề Ukraine. Các nỗ lực đó bao gồm lấy được lời hứa của Putin về việc không giết Zelensky và sau đó là thuyết phục được 2 bên có rất nhiều nhượng bộ cho một thỏa thuận hòa bình. Thỏa thuận hòa bình này đã được các bên trao đổi và sửa tới 17 lần trước khi Mỹ ngăn chặn Zelensky tiến hành ký kết. Nathaniel Bennett cũng đã đi theo cách của Merkel và Holland trong việc “tránh bị đổ lỗi”.
Nếu như Hollande và Merkel chỉ dừng ở việc nói ra chuyện họ đã lừa Putin để mua thời gian cho Ukraine ra sao thì Bennett còn đi xa hơn. Thông điệp của ông rất rõ ràng: cả Ukraine lẫn Nga đã thực sự muốn ngừng cuộc chiến, nhưng người ngăn chặn điều đó lại là Mỹ và phương Tây.
Khi được phóng viên hỏi liệu Mỹ và các đồng minh có “ngăn cản” tiến trình hòa bình giữa Moscow và Kyiv không, cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett trả lời: “Về cơ bản là có. Họ đã chặn nó. Phương tây đã có quyết định hợp lý là tiếp tục tấn công Putin”.

Cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett.
Rõ ràng khi cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới có nhiều yếu tố bất lợi cho Ukraine, các cựu chính trị gia phương Tây đã bắt đầu và ngày càng gia tăng những phát ngôn với động cơ thanh minh cho các hành động của mình liên quan tới việc sắp đặt cho cuộc chiến này. Vậy còn các chính trị gia đương nhiệm đang cương quyết ủng hộ Ukraine thì sao? Họ đã nghĩ gì ngay sau khi cuộc chiến nổ ra và phát ngôn như thế nào?GIẢI MÃ ĐỘNG THÁI CỦA CÁC CHÍNH TRỊ GIA PHƯƠNG TÂY SAU KHI SÚNG NỔ

Ta có thể chia những chính trị gia đang hùng hồn nhất trong việc chống Nga thành 3 nhóm: (i) nhóm các quan chức lãnh đạo các tổ chức quốc tế như NATO hay Ủy ban châu Âu, (ii) nhóm các nguyên thủ quốc gia chủ chốt của châu Âu là thành viên của NATO, (iii) nhóm nguyên thủ quốc gia 3 nước vùng Baltic, Bắc Âu và Ba Lan.
Khi phân tích hoàn cảnh, vị trí của các chính khách này trong từng động thái cụ thể, chúng ta sẽ có thể nhận diện được động cơ phát ngôn của họ, và qua đó thể hiện được cục diện thật của chiến trường theo cách hình dung của họ cũng như cách mà họ thúc đẩy diễn biến tiếp theo như thế nào.
Nhóm các quan chức lãnh đạo các tổ chức quốc tế như NATO hay Ủy ban châu Âu
Trước hết, trong nhóm lãnh đạo NATO và Ủy ban châu Âu, người có tiếng nói chống Nga mạnh mẽ nhất là Jens Stoltenberg. Có một sự trùng hợp về mốc thời gian: Stoltenberg trở thành Tổng thư ký NATO vào tháng 10/2014, chỉ 1 tháng sau khi Thỏa thuận Minsk đầu tiên được ký kết (tháng 9/2014).
Chúng ta cần lưu ý là vào thời điểm năm 2014, sau 1 tháng giao tranh trực tiếp với quân đội chính quy Nga trên đất Donbass, quân đội Ukraine đã rơi vào nguy cơ sụp đổ. 97% lực lượng pháo binh hạng nặng của Ukraine trước năm 2014 bị Nga tiêu diệt trong thời gian này. Phần mềm mà quân đội Ukraine dùng để tính toán các phần tử bắn cho pháo binh là do một công ty Nga phát triển. Do vậy toàn bộ các thông tin liên quan tới trận địa và mục tiêu của pháo binh Ukraine đã bị quân đội Nga thu thập và khống chế.
Sức ép trên chiến trường của Nga đối với Ukraine gia tăng đến mức vào tháng 2/2015, Ukraine lại phải ký một thỏa thuận Minsk tiếp theo với những nhượng bộ lớn hơn nữa. Đây chính là điểm mà Merkel muốn nói tới – nếu không có 2 thỏa thuận Minsk này thì tình hình của Ukraine lúc đó có thể trở nên nguy kịch hơn bao giờ hết. Điều này được tổng thống Poroshenko khẳng định trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập năm 2016. Ông nói rằng chỉ trong 2 năm, Ukraine đã thành công trong việc xây dựng lại quân đội của mình gần như từ con số không (from scratch). Trong 8 năm tiếp theo, NATO đã trang bị và đào tạo lại cho quân đội Ukraine.
Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, tổng thống Mỹ (Obama), tổng thống Pháp (Hollande), thủ tướng Đức (Merkell), tổng Ukraine (Poroshenko) đều đã rời khỏi vũ đài chính trị. Trong số những chính trị gia liên quan tới việc tổ chức, thiết kế, tạo nên cục diện và tình thế của Ukraine trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga với Mỹ và Phương Tây ở thời điểm này, duy chỉ còn tổng thư ký Nato Stoltenberg là còn tại vị.
Chính vì lý do đó, Stoltenberg không còn có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc phải giữ thái độ cứng rắn với Nga. Đơn giản vì Stoltenberg là người còn lại duy nhất với tư cách là 1 chính trị gia đương nhiệm trong số các tác giả tạo ra ván cờ này, và nếu có một kết cục không trọn vẹn với Ukraine sau cuộc chiến thì ông ta sẽ là người bị đổ lỗi nhiều nhất.
Tuy nhiên, có một yếu tố cần lưu ý hơn là Stoltenberg có lợi thế hơn nhiều nguyên thủ quốc gia khác trong phát ngôn. Chức vị tổng thư ký NATO của ông ta được định nghĩa rất rõ là một chức danh dân sự - hành chính của tổ chức. Ông ta không có bất kỳ quyền gì trong việc điều động quân đội và ra các quyết định cho khối NATO. Điều đó dẫn tới việc ông ta có thể đưa ra bất kỳ tuyên bố hiếu chiến nào nhất có lợi cho mình mà vẫn không gây ra hậu quả thực sự trên chiến trường.
Chính vì hiểu rõ tình thế này của Stoltenberg nên chúng ta thấy rằng Nga gần như không cảm thấy bị đe dọa bởi các phát ngôn của ông ta. Chính quyền Nga chỉ trích dẫn và phản hồi những lời nói hiếu chiến của Stoltenberg khi có lợi cho việc tuyên truyền trong nước với dân Nga, để thuyết phục họ rằng NATO thực sự muốn tiêu diệt Liên bang Nga.
Tháng 1/2022, khi Nga và Ukraine đang đứng trước nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang, Stolenberg phát ngôn rằng: “Nếu Nga một lần nữa sử dụng vũ lực chống lại Ukraine, thì họ sẽ phải trả giá đắt bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị. Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine sự trợ giúp để hỗ trợ quyền tự vệ của nước này, và đương nhiên, chúng tôi cũng sẵn sang bảo vệ tất cả các đồng minh nếu cần thiết”. Tháng 8/2022, sau khi Mỹ và phương Tây thực hiện hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, Stolenberg khẳng định: “Chúng ta có lợi ích khi Tổng thống Putin không đạt được các tham vọng ở Ukraine. Nếu Nga thắng trong cuộc chiến này, ông Putin sẽ cho rằng sử dụng bạo lực đem lại hiệu quả. Chính sách đó không được phép thành công”.
Tuy nhiên, ngay cả với những phát ngôn của ông Stoltenberg, chúng ta cũng thấy rõ sự thay đổi theo thời gian. Vào tháng 3/2022, Stoltenberg nói rằng NATO đã cảnh báo Nga sẽ phải trả giá rất lớn cho việc gây hấn ở Ukraine và họ đang phải trả giá. Phát ngôn này thể hiện hơi hướng trịch thượng tin chắc vào thất bại của Nga trên chiến trường.
Tuy nhiên, sang tháng 8/2022, ông phát biểu với các nước NATO rằng không được phép để cho Nga thắng. Điều này có nghĩa là ông đã hạ mục tiêu từ việc Nga thất bại xuống việc họ không thể thắng.

Tháng 12/2022 (khi mà Merkell và Hollande nói về việc “mua thời gian cho Ukraine” bằng bản thỏa thuận Minsk) thì Stoltenberg khẳng định rằng NATO sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine dù bất kỳ điều gì xảy ra. Sau gần 1 năm, thông điệp trong các phát ngôn của Stoltenberg về Nga đã đi từ cứng rắn với những động thái đe dọa sang thừa nhận những biện pháp của Mỹ và phương Tây không mang lại hiệu quả như mong muốn kèm lời kêu gọi NATO nỗ lực không để Nga chiến thắng, và cuối cùng là thuận theo cục diện chiến trường với khẳng định sẽ ủng hộ Ukraine cho dù bất kỳ điều gì xảy ra.
Vậy cái quan điểm “điều gì xảy ra” trong phát ngôn của Stoltenberg hàm chứa thông điệp gì? Liệu có phải quân đội Ukraine sẽ đánh bại hoàn toàn quân Nga trong cuộc chiến này? Nhiệm kỳ của Stoltenberg sẽ chấm dứt trong năm 2023. Phải chăng ông đang muốn chuyển giao lại trách nhiệm về thất bại của cuộc chiến sang cho người kế nhiệm?
Một chính trị gia đương nhiệm khác có các phát ngôn mạnh mẽ ngang Stoltenberg là chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen.
Ursula - phó chủ tịch đảng CDU của Đức là một phụ nữ mạnh mẽ. Vào năm 2019 khi Merkell bắt đầu chuẩn bị cho việc rút lui khỏi chính trường, trong đảng CDU của Đức có một cuộc đua ngầm giữa các ứng viên cho chức thủ tướng. Ursula và Scholz (thủ tướng Đức đương nhiệm) là 2 trong số các nhân vật này. Tuy là phó chủ tịch đảng CDU và là bộ trưởng duy nhất làm việc với Merkell từ năm 2005 nhưng Ursula không có được sự tín nhiệm trong đảng của mình cũng như sự ủng hộ của Merkell. Thế nên bà đã chọn con đường ứng cử vào chức chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Việc Ursula trở thành chủ tịch Ủy ban Châu Âu là kết quả của nhiều vận động trái ngược nhau trong nội bộ khối này, khi mà Anh đã quyết định chọn Brexit và đang đàm phán cho các thỏa thuận hậu Brexit với châu Âu. Trong nhiều năm trước đó, Nigel Farage người khởi xướng phong trào Brexit cũng đụng độ không ít lần với Ursula tại nghị viện Châu Âu. Farage từng phát ngôn rằng Ursula muốn thiết lập một cơ chế chính trị châu Âu, trong đó các quốc gia bị mất đi chủ quyền của mình và chỉ trích tham vọng không tương xứng với năng lực yếu kém của Ursula.
Thế nhưng châu Âu lúc đó, trước viễn cảnh có thể bị tan rã hậu Brexit, lại hy vọng rằng một người thường xuyên đối chọi với Farage (chủ xướng Brexit) và là đại diện của Đức (nước sẽ trở thành quốc gia đứng đầu khối sau khi Anh ra đi) sẽ có thể trở thành cứu tinh cho khối này. Ursula do vậy, dù bị thất bại trong cuộc vận động chính trị để trở thành thủ tướng Đức nhưng vẫn được bầu làm chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ngay cả khi không được Đức ủng hộ (bỏ phiếu trắng) trong cuộc bầu cử này.
Có một tình tiết khá thú vị là vào năm 2015, Ursula từng công khai phản đối việc phương Tây tái vũ trang cho Ukraine và cho rằng các bên liên quan hoàn toàn có thể đàm phán cho hòa bình tại Ukraine (trái ngược với hành động thực sự của Merkel lúc đó). Chính vì vậy, khi cuộc chiến Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Ursula rơi vào một vị thế chính trị rất khó. Việc chiến tranh nổ ra trên đất Ukraine rất có thể sẽ trở thành cái cớ để phương Tây tấn công bà về những quan điểm không cứng rắn trong quá khứ. Do đó, Ursula cũng chọn cách của Stoltenberg, là cao giọng nhất có thể trong những phát ngôn và quan điểm chống Nga.
Tuyên bố trong bài phát biểu thường niên về tình hình của liên minh châu Âu vào ngày 14/9/2022 tại Strasbourg (Pháp), bà Usula von Der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói rằng: “Quân đội Nga đang sử dụng chip từ máy rửa bát và tủ lạnh để sửa chữa vũ khí, khí tài quân sự vì họ đang thiếu linh kiện bán dẫn. Nền công nghiệp của Nga đang suy thoái. Đây là cái giá phải trả cho sự hiếu chiến và cũng là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của Putin”.

Khi cuộc chiến nổ ra trên thực địa, Ursula tuyên bố Ukraine có sự hỗ trợ vô điều kiện của châu Âu cùng hàng loạt các phát ngôn chỉ trích Putin và khẳng định Nga sẽ nhanh chóng thất bại vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, khi cục diện chiến trường có những dấu hiệu xấu đi trông thấy cho Ukraine, bà lại là người đầu tiên đưa ra con số binh sỹ Ukraine chết trong cuộc chiến là 100.000 người vào tháng 11/2022.
“Hơn 100.000 sĩ quan quân đội Ukraine đã thiệt mạng tính đến thời điểm hiện tại”, Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố hôm 30/11/2022 nhưng không tiết lộ nguồn tin.
Không chỉ khiến Kyiv nổi giận (khi họ công bố số binh sĩ thiệt mạng chỉ khoảng 10.000-13.000), thông tin này còn gây ra một cú sốc cho dư luận phương Tây. Sốc vì con số này rất gần với con số mà bộ quốc phòng Nga công bố. Ngoài ra, nếu theo tỷ lệ thông thường trong chiến tranh, cứ 1 binh lính chết thì có 3 người bị thương thì từ đó suy ra lực lượng vũ trang Ukraine đã mất khoảng 400 ngàn binh lính (vừa chết vừa bị thương). Điều này có nghĩa là số thiệt hại của Ukraine trong 10 tháng chiến tranh (tính tới 11/2022) đã gần gấp đôi tổng số binh sỹ đang tại ngũ trong quân đội của Anh, Pháp và Đức cộng lại.

Song song với việc khẳng định ủng hộ Ukraine, trong các phát ngôn của mình, Ursula thường xuyên nhấn mạnh rằng Ủy ban châu Âu không có quân đội riêng. Điều đó là chính xác vì Ủy ban châu Âu không phải là một nhà nước, không có quân đội riêng và không quyết định được các vấn đề quân sự thay cho các nước thành viên. Tuy nhiên đằng sau những phát ngôn lặp đi lặp lại của Ursula lại thể hiện thông điệp rằng, trách nhiệm của phương Tây với cuộc chiến và với Ukraine là thuộc về khối NATO cùng chính phủ các nước thành viên chứ không phải của Ủy ban châu Âu - nơi bà đang đứng đầu).
Như vậy, chúng ta thấy 2 người có những phát ngôn mạnh mẽ nhất của NATO và liên minh châu Âu lại là những người không có thực quyền, và có vẻ như họ phát ngôn chủ yếu vì các động cơ chính trị cá nhân của mình.
Nhóm các nguyên thủ quốc gia chủ chốt của châu Âu là thành viên của NATO
Nhóm phát ngôn thứ hai là nhóm các nguyên thủ chủ chốt của NATO tại châu Âu bao gồm Pháp, Đức, Anh, Ý. Trong đó nguyên thủ 2 quốc gia lớn nhất châu Âu là Pháp và Đức lại là những người bị chỉ trích nhiều nhất vì các phát ngôn dè dặt đối với Nga.
Trong cuộc phỏng vấn của kênh TF1 và LCI ngày 20/12/2022, Tổng thống Pháp truyền đi thông điệp rằng bất kỳ cơ chế an ninh nào của châu Âu cũng cần phải tính tới nhu cầu an ninh của Nga. Nói một cách khác, vì Ukraine được coi là một vấn đề an ninh của mình, nên châu Âu cần phải tính tới việc chấp nhận một phần nào đó các lo lắng của Nga đối với sự trung lập của Ukraine. Phát ngôn này của Emmanuel Macron ngay lập tức đã gây ra một loạt chỉ trích không chỉ từ phía Kyiv mà còn từ các thành viên EU như Ba Lan, Slovakia và các quốc gia vùng Baltic.
Nguyên thủ 2 quốc gia lớn nhất châu Âu là Pháp và Đức lại là những người bị truyền thông phương Tây chỉ trích nhiều nhất vì các phát ngôn dè dặt đối với Nga. Tổng thống Pháp Emanuel Macron từng phát biểu rằng: “Ngày hòa bình sẽ phải liên quan đến các cuộc thảo luận. Đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo cho Ukraine việc toàn vẹn lãnh thổ, an ninh lâu dài. Nhưng cũng phải quan tâm đến Nga với tư cách là một bên tham gia hiệp ước đình chiến và tái thiết lập hòa bình. Cũng như thế, khi được hỏi về phản ứng của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: “Giống như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn cân nhắc kỹ từng quyết định, điều gì có thể xảy ra, điều gì có ý nghĩa và điều gì có thể mang lại các lợi ích”.
Thủ tướng Đức - Olaf Scholz thậm chí còn bị các nhà ngoại giao Ukraine gọi là hèn nhát trước Nga. Cựu thủ tướng Israel - Nathaniel Bennett trong lần phỏng vấn gần đây cũng cho rằng Pháp và Đức dưới thời của Macron và Scholz luôn hướng tới duy trì kênh đối thoại với Nga và có cách nhìn thực tiễn trong việc giải quyết cuộc chiến. Đến nay, cả hai vị này vẫn đang tại vị.

Các nguyên thủ Ý và Anh thì có các phát biểu chống Nga mạnh hơn rất nhiều ngay từ đầu cuộc chiến. Thế nhưng, sau 1 năm chiến tranh, cả thủ tướng Ý lẫn Anh đều đã buộc phải rời khỏi nhiệm sở (trong trường hợp Anh thì là cả 2 đời thủ tướng: Boris Johnson và Lizz Truss). Cùng với các nguyên thủ này là sự ra đi của thủ tướng Bulgaria và Thụy Điển, những người từng chống Nga mãnh liệt ngay từ đầu.
Nhóm nguyên thủ quốc gia 3 nước vùng Baltic, Bắc Âu và Ba Lan
Nhóm phát ngôn thứ ba đáng lưu ý là từ phía các chính trị gia của Ba Lan, ba nước vùng Baltic và Phần Lan. Ba Lan là quốc gia chống Nga mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến Ukraine. Họ ủng hộ cả về tinh thần, vật chất, kinh tế lẫn quân sự cho Ukraine. Hiện nay, Ba Lan là quốc gia châu Âu cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine nhất, nhận nhiều người Ukraine tị nạn chiến tranh nhất và là quốc gia duy nhất trong khối NATO tăng quân số lên thêm 200 ngàn người để đề phòng các rắc rối an ninh với Nga.
Nếu nhìn vào lịch sử quan hệ Nga – Ba Lan thì có thể hiểu được cách ứng xử của họ của họ với Nga. Sau khi cộng đồng thịnh vượng Ba Lan – Lithunia (Poland Lithunia Commenwealth) cáo chung vào thế kỷ XVIII, hơn một lần, Nga, Đông Phổ và Áo đã cùng nhau tiêu diệt nhà nước Ba Lan và phân chia lãnh thổ nước này cho nhau. Lịch sử Ba Lan từ thế kỷ XVIII tới XX là lịch sử của một quốc gia bị đồng minh bỏ rơi và ngoại bang đô hộ. Sự thù hận và nghi kỵ giữa người Ba Lan và Nga có nguồn gốc từ các cuộc chiến tranh giữa hai nước này. Người Ba Lan đã gia nhập quân đội Napoleon Bonapart với số lượng quân rất lớn vào năm 1812 với hy vọng Napoleon cho tái lập lại nước Ba Lan sau khi đánh bại Nga. Thế nhưng, trong trận Leipzig 1814, quân Pháp đã bỏ mặc quân Ba Lan ở lại bờ Đông khi rút quân qua sông. Nguyên soái Poniatowsky - một công tước Ba Lan được phong nguyên soái Pháp đã bỏ mạng cùng với đoàn kỵ binh khi cố bơi qua sông chạy theo quân Pháp.
Năm 1918, Ba Lan giành độc lập sau khi Đức đầu hàng Đồng Minh. Năm 1920, họ đánh bại Hồng quân trong chiến dịch Warsaw và số phận của 100 ngàn Hồng quân bị bắt đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến Stalin ra lệnh hạ sát gần 30 ngàn sỹ quan và viên chức cao cấp Ba Lan bị Liên Xô bắt được năm 1939 (khi cùng Đức một lần nữa chia đôi lãnh thổ Ba Lan) tại rừng Katyn.
Năm 1980, quân đội Liên Xô đã tiến vào Ba Lan để dập tắt các cuộc cải tổ của chính quyền Ba Lan và lập ra một chính quyền theo Liên Xô.
Sau khi Nga thừa nhận vụ thảm sát Katyn, Nga đã cùng với Ba Lan tổ chức các buổi tưởng niệm hàng năm để hướng tới hòa giải những mâu thuẫn giữa hai quốc gia trong quá khứ. Tuy nhiên việc này chấm dứt khi tổng thống Ba Lan cùng em trai của mình và các yếu nhân hàng đầu của Ba Lan chết trong một vụ tai nạn máy bay tại Smolensk khi họ tới để dự lễ kỷ niệm cuộc thảm sát hàng năm với tổng thống Nga năm 2010. Mặc dù cuộc điều tra chung giữa Ba Lan và Nga cho thấy máy bay rơi là do lỗi của tổ lái đã không nghe lời hướng dẫn của điều độ từ mặt đất. Tuy nhiên, gần đây, phía Ba Lan đang đặt lại nghi vấn về khả năng phá hoại và các động cơ chính trị trong vụ tai nạn hàng không này.
Với những yếu tố lịch sử trên, có thể thấy rõ là về mặt tình cảm, người Ba Lan có rất nhiều động cơ để thuận theo xu hướng ủng hộ Ukraine chống Nga. Tuy nhiên, cũng có một thực tế rất khác khiến cho người Ba Lan tự mâu thuẫn nếu như họ ủng hộ chính quyền Ukraine.
Chính quyền Ukraine sau năm 2014 đã đưa nhân vật lịch sử Stepan Bandera và phong trào do ông ta sáng lập vào sách giáo khoa với tư cách là một anh hùng dân tộc và là lực lượng dân tộc yêu nước. Chính Bandera và những người theo ông đã hợp tác với các lực lượng Đức Quốc xã trong thời gian Đức xâm chiếm Liên Xô 1941-1945 với hy vọng Đức sẽ lập ra một nước Ukraine độc lập. Khi phát hiện ra người Đức không có ý định đó, ông ta cùng các đồng đội của mình tổ chức một cuộc chiến tranh du kích chống người Đức, chống Liên Xô, chống người Do Thái, người Nga và cả người Ba Lan. Các hoạt động khủng bố của tổ chức này mang tính diệt chủng khi họ tàn sát dân thường theo cách giết toàn bộ người trong các khu định cư. Con số người Ba Lan bị giết lên tới hơn 100.000 người – một vấn đề lịch sử mà người Ba Lan gọi tên là một tội ác chiến tranh.
Do đó, việc Ukraine công khai ca ngợi Bandera là đi ngược lại với lịch sử chính thức của Ba Lan. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Ba Lan vẫn là quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine nhất.
Người Nga đã không ngần ngại khi nói thẳng ra rằng mục đích của Ba Lan cho sự giúp đỡ đó là nhằm lấy lại vùng Tây Ukraine. Vùng đất này bị Sa Hoàng cắt ra khỏi Ba Lan và nhập về Nga trong các lần phân chia Ba Lan hồi thế kỷ XVIII-XIX. Vào tháng 5/2022, tổng thống Zelensky đã đề nghị quốc hội Ukraine xem xét và phê duyệt một đạo luật mở rộng quyền của công dân Ba Lan trên đất Ukraine và cho phép họ có một “vị thế đặc biệt”. Người Nga, tất nhiên, đã coi việc này là một bằng chứng cho việc Zelensky có những thỏa thuận ngầm với Ba Lan về chủ quyền quốc gia.
Mặc dù lịch sử Ba Lan có rất nhiều mâu thuẫn với Nga, mặc dù Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất trong hơn 1 năm kể từ khi cuộc chiến nổ ra; nhưng sau đó, Ba Lan và Ukraine đang vướng vào những tranh cãi ngoại giao cùng những rạn nứt trong quan hệ khó hàn gắn, thậm chí có thể gây ảnh hưởng tới cục diện cuộc chiến trong bối cảnh sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây với Ukraine đang yếu dần.
Căng thẳng giữa hai quốc gia được đẩy lên trong tháng 9/2023 sau những tranh cãi về vấn đề xuất nhập khẩu ngũ cốc. Phát biểu của tổng thống Ukraine Zelinsky tại tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 ngày 19/9/2023 được Ba Lan khẳng định là thể hiện thái độ “vô ơn”. Ngay lập tức, Ba Lan đã triệu tập đại sứ Ukraine để phản đối, đồng thời Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và cảnh báo ông Zelensky thôi xúc phạm người Ba Lan.

Từ một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Ukraine trong cuộc chiến này, việc Ba Lan tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine là một cú sốc với chính các quốc gia phương Tây cũng như NATO. Trên thực tế, Ba Lan có lợi ích riêng của mình trong cuộc chiến và sự thất bại của Ukraine cũng sẽ tạo ra cơ hội lớn cho họ.
Đối với 3 nước vùng Baltic, việc chống Nga là dễ hiểu. Cả ba nước ngày có lịch sử bị Nga xâm chiếm, chia cắt giống hệt như Ba Lan. Họ cũng là các quốc gia đầu tiên cương quyết nhất đòi tách khỏi Liên Xô ngay khi quốc gia này còn chưa sụp đổ hẳn. Tương tự như Ukraine, họ có một số lượng lớn dân số là người Nga và họ lo rằng Nga có thể sử dụng đúng chiêu bài bảo vệ Nga kiều như đang làm ở Ukraine với họ. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của các quốc gia này với Ukraine là không đáng kể vì quy mô kinh tế, dân số và quân sự của họ quá nhỏ.
Trong khuôn khổ phân tích những động thái và ngôn ngữ ngoại giao này, chúng ta sẽ không đề cập tới Mỹ. Lý do rất đơn giản là Mỹ đang đánh Nga bằng máu của người Ukraine, với thiệt hại kinh tế là do EU chịu, với nền công nghiệp quốc phòng và dầu khí của Mỹ kiếm lợi lớn từ việc bán vũ khí cho Ukraine và dầu khí cho EU, với việc cuộc chiến Ukraine sẽ xóa nhòa hình ảnh họ rút chạy khỏi Apghanistan 1 năm trước đó và giảm áp lực của các vấn đề kinh tế, chính trị nội tại của nước Mỹ. Trong cuộc chiến này, bất kể Nga thắng hay bại, Mỹ đều có lợi.
SỰ THẬT ĐẰNG SAU NHỮNG THÔNG ĐIỆP NGOẠI GIAO

Khi cuộc chiến nổ ra, phương Tây có vẻ như có một tiếng nói chung thống nhất trong việc ủng hộ Ukraine và chống Nga. Tuy nhiên, động cơ của mỗi chính trị gia, mỗi quốc gia mỗi khác. Điều đó được thể hiện trong ngôn ngữ và động thái ngoại giao cũng như cách tiếp cận của các cá nhân chính trị gia, các tổ chức hay quốc gia phương Tây với Ukraine và Nga.
Những tư liệu và phân tích về cuộc chiến dưới lăng kính ngôn ngữ ngoại giao ở trên cho thấy, quan điểm của phương Tây về cuộc chiến tranh Ukraine đã thay đổi rất nhiều theo thời gian. Phương Tây đã từng đồng nhất quan điểm rằng Nga sẽ phải trả giá đắt và chính quyền của Putin sẽ sụp đổ cho tới lời kêu gọi không thể để cho Nga thắng và chúng ta sẽ bên Ukraine cho dù điều gì sẽ xảy ra.
Ở thời điểm một năm sau khi chiến tranh nổ ra, đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt mâu thuẫn về quan điểm giữa các quốc gia phương Tây đối với vấn đề Ukraine cũng như sự khác biệt về động cơ chính trị của từng quốc gia trong cuộc chiến này. Bên cạnh đó, lòng tin và sự ủng hộ đối với Ukraine của các quốc gia phương Tây cũng đang bị xói mòn. Điều này khiến các nhà phân tích chính trị đặt ra câu hỏi: Liệu rằng đó có phải là thời điểm mà quyết tâm kiên định của châu Âu chống lại cuộc chiến của Nga đang trở nên rạn nứt?
Trong cuộc chiến tại Ukraine, nếu như ngoại giao là một mặt trận vô hình không tiếng súng, một bàn cờ chính trị với những nước đi bí ẩn như chúng ta từng giải mã trong phần trước, thì Donbass - một cái tên từng được nhắc tới rất nhiều trên truyền thông 3 năm qua, là một chiến trường khốc liệt vào bậc nhất trong cuộc chiến tranh này, một lò lửa chiến tranh, một cối xay thịt theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Điểm nút Donbass không chỉ là cán cân thay đổi cục diện chiến trường, mà còn là chiếc gương soi chiếu toàn bộ tương quan lực lượng, chiến thuật tác chiến của hai bên xuyên suốt cuộc chiến, giống như vùng đất này vốn là nơi chứng kiến sự giao thoa giằng xé của người Ukraine giữa hai xu hướng: hướng Đông hay hướng Tây, hướng Nga hay hướng về những giá trị dân chủ theo cách của các quốc gia châu Âu.
Trong phần tiếp theo của Hồ sơ chiến tranh Ukraine, chúng ta sẽ cùng bạch hóa các thông tin liên quan tới Donbass – một mặt trận điển hình nhất của cuộc chiến tranh Ukraine kéo dài 3 năm chưa dứt. Cùng chứng kiến sự khốc liệt của chiến trường, từ những hầm hào lấp đầy toan tính, máu và bùn với chiến thuật giáp lá cà truyền thống tới cuộc chiến UAV nguy hiểm của chiến tranh hiện đại. Từ sự phá sản của chiến thuật tấn công chớp nhoáng tới chiến thuật chiến tranh tiêu hao tàn khốc. Một góc nhìn của tác giả Dương Minh.
Tác giả: Thái Bảo Anh
Đồ họa: Thanh Nga
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ho-so-chien-tranh-ukraine-phan-5-304899.htm