Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp bao gồm những gì?

* Bạn đọc Lê Hoàng Trung ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi: Theo quy định của pháp luật, hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp bao gồm những gì?

Trả lời: Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

* Bạn đọc La Văn Phẩm ở phường Bắc Cường, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi vi phạm quy định về khai quật khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xử phạt ra sao?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 24 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không có giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đào bới, trục vớt trái phép tại các địa điểm khảo cổ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và hành vi đào bới trái phép tại các địa điểm khảo cổ quy định tại khoản 3 điều này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/ho-so-huong-che-do-benh-nghe-nghiep-bao-gom-nhung-gi-781543