Hồ sơ Pandora buộc giới quyền lực đối diện tòa án công luận
Dù người bị xướng tên trong Hồ sơ Pandora ít khi phải chịu trách nhiệm pháp lý, những vụ rò rỉ dữ liệu vẫn hiệu quả trong việc buộc giới quyền lực đối mặt tòa án công luận.
Trong 5 năm qua, thế giới lần lượt chứng kiến 3 vụ rò rỉ dữ liệu tài chính lớn là Hồ sơ Pandora vào tháng 10, Hồ sơ Panama vào năm 2016 và Hồ sơ Paradise năm 2017.
Giáo sư xã hội học Brooke Harrington thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ) nhận định trong bài viết ngày 8/10 trên New York Times rằng cả ba sự kiện này đều phản ánh một hiện tượng: Tình trạng tham nhũng được hợp pháp hóa ở cấp cao nhất và trên quy mô lớn không tưởng,
Dường như chính những người được gửi gắm nhiều quyền lực để chấm dứt tình trạng này lại là nhóm người được hưởng lợi ích lớn nhất khi để sự việc tiếp diễn.
Tuy nhiên, giáo sư Harrington nhận định chúng ta vẫn có một vài lý do để lạc quan, vì có chứng cứ cho thấy công luận và công nghệ đang làm nghiêng cán cân theo hướng gây bất lợi cho giới tinh hoa khi họ sử dụng dịch vụ tài chính của công ty offshore (hay công ty ngoại biên - công ty đăng ký, hoạt động ở nước ngoài).
Tham nhũng không đi kèm hậu quả
Gần 15 năm nghiên cứu ngành tài chính offshore khiến giáo sư Harrington đưa ra nhận định rằng “thiên đường thuế” thực sự không phải là nơi để tránh thuế, mà để giúp giới tinh hoa tránh những quy định pháp luật do họ đặt ra với những người khác.
Hồ sơ Pandora - vụ rò rỉ dữ liệu tài chính lớn nhất lịch sử - đã xướng tên hơn 330 chính khách từ hơn 90 nước, bao gồm 35 nguyên thủ quốc gia đương chức hoặc đã rời nhiệm sở.
Đáng chú ý là một số chính trị gia trong đó từng ra tranh cử với lời hứa sẽ mạnh tay chống tham nhũng, như Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Thủ tướng Babis năm 2016 từng chỉ trích những công dân giàu có của nước mình bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020, vị thủ tướng này còn nêu ra triết lý chống tham nhũng là phải “chặt bỏ những cái đầu của ‘con Hydra tham nhũng’”.
Trong thần thoại Hy Lạp, Hydra là con quái vật nhiều đầu. Mỗi khi một đầu bị chặt bỏ, nó sẽ mọc thêm hai đầu mới.
Nhưng lúc này, chính ông Babis bị cáo buộc sử dụng các công ty vỏ bọc ở nước ngoài để mua bất động sản xa hoa tại vùng bờ biển Địa Trung Hải ở Đông Nam nước Pháp, bao gồm lâu đài trị giá 22 triệu USD.
Ông Babis phủ nhận mọi hành vi sai trái và khẳng định vụ rò rỉ có động cơ chính trị.
Người dân nhận thức được thực tế là tình hình không có nhiều biến chuyển sau Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise. Số người bị kết án nhờ tài liệu trong 2 đợt rò rỉ trước đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, và trong số ấy chỉ có một người là chính trị gia, theo ông Harrington.
Công chúng rất giận dữ và họ biết rõ mình đang bị lừa dối. Tinh thần dân chủ đã bị xúc phạm khi nhiều hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước liên tiếp xảy ra, nhưng không ai phải hứng chịu hậu quả, theo ông Harrington.
Thiệt hại danh tiếng nặng hơn trách nhiệm pháp lý
Tuy nhiên, ông Harrington cho rằng vẫn có một số dạng trách nhiệm giải trình hiệu quả đối với người giàu có và quyền lực, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý.
Theo nghiên cứu của giáo sư Harrington và các nghiên cứu khác gần đây, đối với giới giàu có, thiệt hại danh tiếng có sức nặng hơn so với nguy cơ bị phạt hoặc xử lý hình sự.
Việc soạn thảo những quy định mới cũng không có hiệu quả vì tốc độ soạn thảo. Tương tự, độ toàn diện của quy định pháp luật không đủ để tạo ra các thay đổi có ý nghĩa.
Hơn nữa, ông Harrington nói có chứng cứ cho thấy dư luận đang nhanh chóng thay đổi thái độ đối với hành vi tránh thuế.
Khi Mitt Romney ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2012, nhiều người Mỹ - kể cả người có tư tưởng cánh tả - chỉ nhún vai thờ ơ trước thông tin ông Romney tích lũy được khối tài sản ước tính trị giá 250 triệu USD nhờ một phần vào các khoản đầu tư offshore.
Nhưng sau khi Hồ sơ Panama xuất hiện, cái nhìn của công chúng đối với việc né thuế đã trở nên tiêu cực hơn rất nhiều. Tuy thường không phải hành vi vi phạm pháp luật, né thuế ngày càng bị xem là vô đạo đức và không yêu nước.
Thiệt hại danh tiếng sau Hồ sơ Pandora có thể sẽ để lại hậu quả tức thì cho Thủ tướng Babis. Ngày 9/10, đảng ANO của ông Babis đã thua sát nút liên minh đảng đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội Czech. Kết quả này nhiều khả năng sẽ khiến ông Babis phải rời bỏ ghế thủ tướng.
Cảnh sát Czech cũng cho biết họ sẽ “có hành động” trước hành vi sử dụng công ty vỏ bọc của ông Babis.
Công nghệ "chắp cánh" cho người tố giác
Một lý do khác giúp chúng ta có thêm hy vọng là công nghệ, theo ông Harrington.
Bằng cách tạo điều kiện cho việc phát tán lượng lớn dữ liệu tới tay nhà báo và công chúng, công nghệ khiến rủi ro chịu thiệt hại danh tiếng của giới giàu có tăng lên rất nhiều.
Bước tiến công nghệ trong 5 năm qua đã đem lại cho những người tố giác thêm nhiều lựa chọn trong việc bảo mật danh tính, thông qua những công cụ mã hóa. Điều này cho phép người tố giác vừa bảo vệ bản thân, vừa chuyển được lượng lớn dữ liệu từ nước ngoài.
5 năm trôi qua kể từ sau Hồ sơ Panama nhưng thế giới vẫn chưa biết được tên người rò rỉ số tài liệu ấy. Tương tự, danh tính của người hoặc nhóm người đứng sau vụ rò rỉ Hồ sơ Paradise từ 4 năm trước đến nay vẫn là một bí ẩn.
Đây là điều đáng kinh ngạc trong thời đại của những công cụ giám sát kỹ thuật số, và sẽ khuyến khích thêm nhiều người tố giác khác, theo ông Harrington.
Dựa trên các cuộc trao đổi riêng, giáo sư Harrington cho biết có một lượng lớn người làm nghề quản lý tài sản trên khắp thế giới ý thức được công việc họ đang làm đã góp phần đẩy tình trạng bất bình đẳng kinh tế và chính trị lên mức nguy hiểm.
Nhiều người trong số ấy cũng hiểu rằng một trong những cách tận dụng hiệu quả nhất vị trí người trong cuộc là vén bức màn bí mật đang tiếp tay cho tình trạng tham nhũng trong hệ thống tài chính offshore.
Trước kia, những người muốn tố giác có thể sẽ chùn bước khi biết kết cục của những nhân vật như Herve Falciani - người vào năm 2009 tung chứng cứ cho thấy nơi ông làm việc, ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ, tạo điều kiện cho khách hàng lừa đảo thuế quy mô lớn.
Ông Falciani sau đó bị tòa án Thụy Sĩ xét xử vắng mặt và bị phạt 5 năm tù - mức án cao kỷ lục đối với hành vi vi phạm luật bảo mật ngân hàng của nước này.
Nhưng giờ đây, những người trong cuộc có thể làm theo lương tâm mách bảo mà không sợ cuộc sống và sự nghiệp của mình và gia đình bị hủy hoại.
Điều này được thể hiện qua chính quy mô khổng lồ của Hồ sơ Pandora (phá kỷ lục trước đó của Hồ sơ Panama), với tài liệu bị rò rỉ từ 14 công ty offshore, thay vì chỉ một nguồn như của Hồ sơ Panama.
Theo ông Harrington, những người tố giác hiện không chỉ bạo dạn hơn, mà còn có thể đang hợp tác ở tầm quốc tế để làm điều các nhà lập pháp không thể làm được: Buộc những người giàu có và quyền lực nhất thế giới phải giải trình trước tòa án công luận.