'Hồ sơ Pandora' gọi tên nhiều lãnh đạo
Hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới, chính trị gia, tỉ phú, người nổi tiếng, các lãnh đạo tôn giáo và tổ chức tội phạm bị cáo buộc che giấu khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài trong vụ rò rỉ hàng loạt giao dịch tài chính mới mang tên Hồ sơ Pandora.
Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) hôm 3-10 công bố "Hồ sơ Pandora" dựa trên 11,9 triệu tài liệu thu được từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới.
Cuộc điều tra về "Hồ sơ Pandora", một phiên bản nâng cấp của "Hồ sơ Panama" năm 2016, đánh dấu sự hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa các cơ quan truyền thông với sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.
Theo "Hồ sơ Pandora", hơn 330 quan chức đương nhiệm và cựu chính trị gia thụ hưởng số tài sản bí mật ở nước ngoài gồm Quốc vương Jordan Abdullah II, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso và những nhân vật gần gũi Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Tổng thống Nga Vladimir Putin…
Trong số tài liệu bị phanh phui, Quốc vương Jordan, người ủng hộ biện pháp thắt lưng buộc bụng gây phẫn nộ trong nước, bị cáo buộc chi hơn 100 triệu USD mua nhiều bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua mạng lưới công ty nước ngoài từ năm 2003-2017.
"Hồ sơ Pandora" cũng cho rằng Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis đã che giấu giao dịch mua bất động sản trị giá 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp thông qua công ty bình phong nước ngoài.
Thậm chí, theo hồ sơ này, gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã chi hơn 677 triệu USD để mua bất động sản tại Anh suốt 15 năm qua. Đáng chú ý, năm 2009, một công ty nước ngoài thuộc sở hữu của con trai Tổng thống Aliyev là Heydar Aliyev, khi đó 11 tuổi, đã mua một tòa nhà ở Anh với giá 45,5 triệu USD.
Dù một số người trong cuộc nhanh chóng phủ nhận nhưng ông Sven Giegold, nhà lập pháp Đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu, cho rằng: "Vụ rò rỉ dữ liệu mới nhất là hồi chuông cảnh tỉnh. Tình trạng trốn thuế thúc đẩy bất bình đẳng toàn cầu. Chúng ta cần tăng cường và thắt chặt các biện pháp đối phó ngay từ lúc này".
Theo hãng tin AP, Tổ chức Oxfam International (Anh) ủng hộ ICIJ công bố "Hồ sơ Pandora" khi lập luận nguồn thu thuế lẽ ra dùng cho các chương trình cộng đồng đã bị tước mất. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định việc giới siêu giàu lợi dụng các "thiên đường thuế" che giấu tài sản khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỉ USD tiền thuế mỗi năm.