Vì ganh ghét, đố kỵ nhóm đối tượng đã ra tay sát hại gia đình 4 người rồi phi tang các nạn nhân xuống sông. Vụ án được ANTV dựng lại trong Hồ sơ vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, lúc 14h30 ngày 5/7/2001, Công an huyện Củ Chi, TP HCM nhận tin báo về việc tại vàm Cây Đào (xã Trung An), người dân phát hiện thi thể đàn ông chết trôi, bị trói cả tay, chân.
Trong khi Công an huyện Củ Chi phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP HCM điều tra vụ án thì lúc sáng 2 hôm sau, người dân bên kia sông Sài Gòn phát hiện cùng lúc 3 thi thể chết trôi (1 phụ nữ, 2 trẻ nhỏ) tại bến Bà Gạo (xã Phú An, huyện Bến Cát, Bình Dương).
Cả 3 nạn nhân cũng đều bị trói tay, chân và cột dính chung vào phần mũi chiếc ghe đã gãy đôi, nổi trên mặt nước. Trên ghe có 3 cây sắt, 3 tấm ván, 1 ống dây dùng cho thợ lặn, 1 cái vợt, 1 túi xách bằng nhựa (trong có quần áo, đồ chơi điện tử...). Cả 3 thi thể đang thời kỳ phân hủy, đều bị trói trước khi đẩy xuống nước, địa điểm phát hiện cũng khá gần thi thể người đàn ông ở phía H.Củ Chi. Theo nhận định của cơ quan điều tra, giữa các nạn nhân có sự liên hệ với nhau.
Vụ giết người dã man gây chấn động dư luận, lực lượng chức năng ra thông báo truy tìm tung tích nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng và nắm tình hình khu vực xung quanh sông Sài Gòn, đoạn chảy qua huyện Củ Chi và bên kia là huyện Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một (nay là thành phố thuộc tỉnh Bình Dương).
Chưa tới 24 giờ đồng hồ sau, các trinh sát thu được thông tin từ người dân liên quan đến gia đình ngư dân có 4 thành viên, thường đậu ghe ở bến đò ấp 1 (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi), nhưng mấy ngày gần đó đã "biến mất". Đến 21h ngày 8/7/2001, cơ quan điều tra xác định được danh tính của các nạn nhân, gồm: ông Nguyễn Văn Anh (SN 1966, tên gọi khác là Cò), bà Nguyễn Kiều Dâng (vợ ông Cò, SN 1968) cùng hai con trai Nguyễn Quốc Hậu (SN 1993), Nguyễn Quân Học (SN 2000). Theo kết luận của cơ quan pháp y, cả 4 nạn nhân đều tử vong do bị ngạt nước.
Ông Cò và bà Kiều lấy nhau vào năm 1992, tiếp nối nghề đánh cá trên sông Sài Gòn cho đến ngày bị sát hại. Đêm đến, vợ chồng ngủ trên ghe neo đậu tại bến đò ấp 1, xã Bình Mỹ. Quốc sống với ông bà ngoại ở huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), đầu tháng 6/2001, vợ chồng ông Cò về quê, sẵn dịp hè đưa con đến TP HCM chơi, ở chung trên ghe. Còn bé Quân vừa tròn 1 tuổi vào ngày 2/7/2001.
Bà con ở bến đò Bình Mỹ cho biết, vợ chồng ông Cò hiền lành, chí thú làm ăn. Ông là thợ lặn giỏi. Người nhà nạn nhân cho biết, gần 10 năm tích cóp, vợ chồng ông Cò mới mua được miếng đất, chuẩn bị cất nhà thì tai họa ập xuống. Ba mẹ con bà Kiều được chính quyền địa phương chôn cất tại xã Phú An (huyện Bến Cát), còn ông Cò được người thân đưa đi hỏa táng.
Qua xác minh, nạn nhân có chiếc ghe máy trọng tải 0,8 tấn, trên ghe có trang bị máy lặn. Tháng 6/2000, vợ chồng ông Cò mua lô đất giá 2,5 lượng vàng tại ấp 1, xã Bình Mỹ. Hai người tiếp tục để dành tiền, định cất nhà vào cuối năm 2001. Như vậy, số tài sản của nạn nhân có trên ghe là khá lớn. Qua khám nghiệm hiện trường, tử thi và tài liệu thu thập được, các thành viên cuộc họp nhận định đây là vụ giết người, cướp tài sản.
Để sát hại cả 4 nạn nhân (trong đó ông Cò rất khỏe) bằng việc trói cả tay và chân, hung thủ phải có ít nhất 2 tên cùng thực hiện. Nhóm này phải là người quen mới tiếp cận được ghe nạn nhân, rồi bất ngờ tấn công. Với cách thức trói thắt nút buộc 4 nạn nhân gần như giống nhau, nên nhiều khả năng các hung thủ có quan hệ thân thích.
Theo kết luận của cơ quan pháp y, cả 4 nạn nhân tử vong vào khoảng chiều cho đến tối 3/7/2001. Về địa điểm xảy ra vụ án, ban chuyên án thống nhất khoanh vùng là đoạn sông Sài Gòn dài hơn 10km: phía TP HCM được tính từ bến đò Bình Mỹ đến xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi); tương ứng với phía tỉnh Bình Dương từ phường Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một) đến xã Phú An (huyện Bến Cát).
Sông rộng mênh mông lại dài nên rất khó xác định điểm xảy ra án mạng. Hàng trăm ghe xuồng đánh bắt cá của ngư dân các tỉnh miền Tây, miền Đông, Việt kiều Campuchia, dân địa phương... đậu rải rác khắp nơi. Thêm vào đó, số tàu thuyền qua lại hàng ngày trên sông đếm cũng không xuể. Do đó, việc thu thập chứng cứ sẽ gặp nhiều khó khăn. Ban chuyên án và các điều tra viên quyết tâm điều tra, làm rõ và bắt bằng được thủ phạm.
Nhanh chóng xác minh, các trinh sát có trong tay danh sách 5 thanh niên trong số này có tên Minh sống tại khu vực xảy ra vụ án. Sau khi sàng lọc, 4 đối tượng được loại khỏi danh sách, chỉ còn lại tên Minh "Mầu". Gã tên thật là Nguyễn Ngọc Hoàng Minh (SN 1979). Từ nhỏ đến lúc 10 tuổi, Minh sống tại phường 15, quận Gò Vấp, đến năm 1992 thì phụ gia đình đánh bắt cá trên sông Sài Gòn rồi chuyển về ở tại xã Chánh Mỹ (thị xã Thủ Dầu Một, nay là TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Ngoài việc đánh bắt cá, Minh còn phụ cha mẹ chăn nuôi, làm vườn. Một chi tiết khiến Ban chuyên án chú ý: Minh có quan hệ chú bác ruột với nạn nhân Nguyễn Thị Kiều (vợ ông Cò). Nếu đúng như lời 4 nhân chứng khai thì Minh là đối tượng then chốt để phá án. Tất cả thông tin liên quan tới gã đều được tìm hiểu, theo dõi chặt chẽ.
Tại cơ quan đều tra, Minh khẳng định đã gặp vợ chồng ông Cò lần cuối cùng vào ngày 24/6/2001, khi hai người đến thăm gia đình hắn. Minh nhớ rất rõ vì hôm đó là chủ nhật, phải đi lễ nhà thờ. Khi điều tra viên đề cập đến ngày 3/7/2001, Minh đều tự tin, trả lời một cách dứt khoát: từ 9h đến gần 21h ngày 3/7, Minh cùng đứa cháu đến tiệm Vũ tại ấp 2, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) để sửa xe, thay nhiều món, tổng cộng là 600 ngàn đồng. Do đầu xe còn rung nên hôm sau, Minh tiếp tục mang tới tiệm Vũ sửa, tốn thêm 240 ngàn đồng. Toàn bộ tiền sửa xe do mẹ Minh cho.
Chủ tiệm sửa xe Vũ (tên Nguyễn Ngọc Vũ) cũng xác nhận khớp với thời gian mà Minh khai. Sau nhiều lần làm việc, Minh luôn chứng minh mình ngoại phạm và không có biểu hiện gì đáng nghi ngờ. Trong khi đó, cả 4 nhân chứng đều khẳng định, nhìn thấy Minh trên sông vào chiều 3/7/2001, không thể nhầm với bất cứ ai được. Xác định Minh chính là mấu chốt trong vụ án, Ban chuyên án có cuộc họp bàn kế hoạch đấu tranh tiếp theo.
Một nguồn tin quý giá mà trinh sát thu thập được, Minh và Vũ cùng 2 người khác đã đi nhậu trong ngày Minh sửa xe. Minh xác định có việc nhậu trong quán ở ấp 1, xã Bình Mỹ, tốn hết 86 ngàn đồng, do Minh bao. Anh Bình (người nhậu chung với Minh và Vũ) khai: "Tôi không nhớ chính xác đêm nhậu, nhưng trước đó một ngày thì tôi có thằng cháu bị bệnh đưa đi điều trị tại Bệnh viện 512 Bình Dương".
Xác minh tại bệnh viện, cơ quan điều tra thu được thông tin: "Bệnh nhân nhập viện ngày 4/7/2001". Như vậy, ngày Minh sửa xe không phải là ngày 3/7/2001 mà là 5/7/2001. Minh và Vũ cố tình khai sai sự thật. Biết không thể đánh lừa được cơ quan điều tra, Vũ thú nhận: "Do Minh bảo nói như vậy nên nghe theo".
Với những chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Bình Dương xác định Minh là nghi can số một của vụ án nên ra lệnh bắt khẩn cấp vào sáng 3/8/2001. Lúc đầu, hắn vẫn khăng khăng cho rằng mình bị bắt oan. Tuy nhiên, trước những chứng cứ sắc bén mà các trinh sát thu thập, nghi can từ bình tĩnh, tự tin chuyển sang lúng túng, hốt hoảng. Sau 6 giờ đồng hồ đối mặt với các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, Minh dần đuối lý, hết đường để biện minh, mở lời "Tôi xin khai".
Theo lời khai ban đầu của Minh, chủ mưu trong vụ thảm sát cả gia đình ông Cò là vợ chồng và 2 con của Thông (cùng là ngư dân đánh cá trên sông Sài Gòn). Minh chỉ là người bị ép buộc tham gia. Ban chuyên án kết luận, qua đánh giá lời khai cùng tài liệu thu thập, có đủ cơ sở để bắt giữ 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Thông (SN 1942), Nguyễn Thị Toán (vợ Thông, SN 1945) và 2 con trai Nguyễn Văn Thống (SN 1969), Nguyễn Thanh Thiện (SN 1982, cùng ngụ quận Gò Vấp).
Đến 18h cùng ngày, trinh sát phát hiện và tóm gọn Thiện khi đang neo ghe đậu tại cầu Bến Nẩy và ngồi uống cà phê ngay chân cầu. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, trinh sát báo tin đã phát hiện vợ chồng Thông cùng Thống đang neo ghe ở ngoài sông. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng bao vây, tóm gọn, đưa về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để lấy lời khai.
Tại cơ quan Công an, lúc đầu, cả 4 nghi can đều không nhận tội và một mực kêu oan. Đến khi nhìn thấy Minh thì Thiện, Toán tỏ vẻ run sợ, hoang mang cực độ. Đến 4h ngày 4/8/2001, Thiện, Toán bắt đầu có những lời khai đầu tiên về hành vi tội ác đã gây ra. Theo đó, do chịu khó làm ăn nên vợ chồng ông Cò dành dụm được tiền mua lô đất. Điều này khiến Thông đố kỵ, ganh ghét nhưng không nói ra. Khi đánh bắt được cá, bà Kiều mang ra chợ bán cũng có phần rẻ hơn Xuyến (vợ Thống) từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Xuyến vì chuyện này mà mâu thuẫn, có lần sinh ra cãi vã với bà Kiều.
Thấy Thiện và Minh còn nhỏ, nhưng ít chú tâm đến công việc, nghĩ chỗ thân tình nên ông Cò thật lòng khuyên 2 người nên chịu khó làm ăn, phải học để biết lặn mới kiếm được nhiều tiền. Thiện, Minh chẳng những không nghe, trái lại còn đố kỵ, cho rằng ông Cò "bày đặt dạy đời". Tất cả chỉ là cái cớ. Điều chính yếu là Thông biết vợ chồng ông Cò để dành số tiền nghe đâu gần 20 triệu đồng để cất nhà vào cuối năm, nên y muốn thủ tiêu cả gia đình để cướp số tài sản này.
Biết Minh và Thiện xốc nổi, lại cũng có hiềm khích với nạn nhân nên Thông lôi kéo tham gia gây án. Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và nhiều tình tiết tăng nặng, Thông, Thống, Thiện và Minh bị tuyên án tử hình. Riêng Toán lãnh án tù chung thân.
Xem thêm video: 2 tử tù bị oan hồn 'báo oán' rùng rợn - Luật nhân quả? Nguồn: ANTV.