Hồ sơ vụ khủng bố Thánh địa Mecca
40 năm trước, vào ngày 20-11-1979, hàng ngàn tín đồ Hồi giáo có mặt tại đền thờ chính Al-Haram tại thánh địa Mecca đã phải chứng kiến một sự kiện được đánh giá chẳng khác gì một ngày tận thế.
Những tên đồng đạo cuồng tín khi đó đã thi nhau xả đạn vào các tín đồ, nổi lửa đốt cháy bên trong ngôi đền thờ nổi tiếng nhất tại thánh địa. Vụ thảm sát kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần một ngàn con người được đánh giá là dấu mốc ra đời của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Thủ phạm, nguyên nhân sâu xa của thảm kịch này bắt nguồn từ đâu? Ảnh hưởng của nó đối với tương lai của Trung Đông hiện nay như thế nào…
Vào giữa thế kỷ XX, Saudi Arabia đã thay đổi một cách hết sức nhanh chóng – trở thành một trong những cường quốc khai thác dầu mỏ lớn nhất không chỉ tại Trung Đông mà còn trên thế giới. Nắm giữ ngai vàng tại vương quốc này khi đó là vua Faisal, con trai thứ ba của người sáng lập ra dòng họ hoàng gia Abdulaziz ibn Saud. Triều đại của vị vua này đánh dấu bằng sự phát triển thần tốc của ngành công nghiệp khai thác dầu: sản lượng dầu đã tăng gấp ba chỉ trong giai đoạn từ giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1970.
Điều này cho phép Saudi Arabia nếu như không nói bắt phương Tây phải theo ý của mình, thì cũng bắt họ phải lắng nghe mọi ý kiến của Riyadh. Mỗi khi quốc gia này không vừa lòng chuyện gì, họ luôn đe dọa sẽ ngừng bán dầu ra thị trường thế giới.
Mối đe dọa này đã từng trở thành hiện thực vào năm 1973, dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong lịch sử. Các nước phương Tây khi đó đã buộc phải tìm được tiếng nói chung với Saudi Arabia, chỉ với mục đích để dầu của họ lại được tung ra thị trường. Giá dầu còn liên tục tăng vào những năm sau đó, giúp cho Saudi Arabia nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Tuy vậy, phần lớn người dân tại đây lại không được hưởng lợi nhiều từ khoản doanh thu khổng lồ từ dầu mỏ. Sự bất bình của người dân còn nảy sinh trước lối sống xa hoa và phóng túng của tầng lớp hoàng thân, bất chấp nhiều điều khoản cấm đoán của đạo Hồi – đỉnh điểm là chính sách cai trị cực đoan và lối sống phóng túng của chính nhà vua Faisal.
Năm 1975, nhà vua bị chính người cháu trai của mình hạ sát. Thay thế ông trên ngai vàng là người em trai Khalid với chính sách ôn hòa hơn. Tuy nhiên điều này cũng không ngăn chặn được làn sóng bất bình về cách hoàng gia đang thao túng tài sản của đất nước, kèm theo đó là tình trạng suy đồi về nếp sống trong xã hội.
Sứ giả của thánh Allah
Trong số các sinh viên học sinh tại các trường thần học tại Saudi Arabia có không ít các phần tử cuồng tín tôn giáo.
Nhiều kẻ trong số này là các thành viên của nhóm “Những người anh em Hồi giáo” tại Ai Cập, đã chạy trốn khỏi quốc gia này sau chiến dịch truy quét bắt giữ hàng loạt do Tổng thống Gamal Abdel Nasser khởi xướng. Thủ lĩnh của nhóm này là nhân vật Juhayman al-Otaybi (43 tuổi). Trong giai đoạn từ 1955 đến 1973, Juhayman từng phục vụ trong lực lượng vệ binh quốc gia của Saudi Arabia.
Mùa xuân năm 1978, một xưởng in tại Kuwait đã phát hành cuốn sách “7 thông điệp” của Juhayman với nội dung chỉ trích chính quyền Saudi Arabia đã xa rời tín ngưỡng Hồi giáo. Cuốn sách nhanh chóng phổ biến trên khắp cả nước, giúp cho Juhayman thu hút được hàng trăm người ủng hộ. Trong số này có một sinh viên Trường đại học Tổng hợp Riyadh là Muhammad al-Qahtani, người rất nhanh chóng trở thành một kẻ cuồng tín trước những lời giao giảng trong sách.
Chẳng bao lâu, al-Qahtani tự xưng là Mahdi – một vị cứu tinh thường xuất hiện trong các truyền thuyết về cuộc sống của nhà tiên tri Muhammad. “Đấng cứu thế” mới ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của nhiều giáo phái và nhóm tôn giáo cực đoan, trong đó có cả nhóm “Al-Masjid al-Haram” do chính Al-Otaybi và Al-Qahtani thành lập. Mahdi tuyên bố mục tiêu của phong trào là “trong sạch hóa đạo Hồi, giải phóng đất nước khỏi những kẻ không trung thành với đạo, trong đó có cả hoàng gia vốn chỉ biết quan tâm tới quyền lợi của bản thân mình”.
Hai thủ lĩnh của phong trào công khai kêu gọi khởi nghĩa chống lại hoàng gia Saudi Arabia, buộc tội họ đã phản bội các nguyên tắc của đạo Hồi và bán nước cho phương Tây. Al-Otaybi và Al-Qahtani quyết định đã đến lúc phải hành động. Chúng chọn địa điểm tấn công đầu tiên là đền thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất thế giới Al-Haram tại thánh địa Mecca.
Ngày kinh hoàng
Sáng sớm ngày 20-11-1979, có từ 50 đến 100 ngàn tín đồ đã tụ tập tại buổi cầu nguyện đầu tiên nhân ngày lễ năm mới của Hồi giáo. Đây cũng là thời điểm bắt đầu tháng Muharram, một trong những thời gian thiêng liêng nhất của đạo Hồi: trong đó ngăn cấm chuyện giết chóc, chiến tranh và săn bắn quanh ngoại ô Mecca. Khi giáo sĩ điều hành buổi lễ vừa cầm micro đọc được vài lời cầu nguyện, một loạt tiếng súng đã vang lên.
Gần 500 tên khủng bố của nhóm “Al-Masjid al-Haram” tràn vào với vũ khí được lấy ra từ trong quần áo và được cất giấu từ trước trong đền thờ. Al-Otaybi giật lấy micro từ tay giáo sĩ, chỉ trích hoàng gia Saudi, lên án sự suy đồi về truyền thống và tín ngưỡng đạo Hồi trong xã hội. Đơn vị cảnh sát đầu tiên được cử tới còn chưa kịp tới sát ngôi đền đã phải hứng chịu một cơn mưa đạn từ phía trên các ngôi tháp tại đây – hậu quả khiến 8 cảnh sát thiệt mạng, 36 người bị thương.
Sau khi chiếm giữ ngôi đền, bọn khủng bố sát hại một số nhân viên bảo vệ tìm cách chống cự. Những tay súng bắn tỉa được bố trí phía trên các ngôi tháp để nhắm bắn cảnh sát từ xa. Các cánh cửa vào ngôi đền bị đóng kín khiến hàng chục ngàn tín đồ bị mắc kẹt.
Hoàng gia Saudi hết sức bất ngờ trước vụ khủng bố. Chính quyền Saudi ban đầu vẫn chưa rõ ai là kẻ tổ chức vụ khủng bố này. Ban đầu, Riyadh nghi ngờ đây là sự can thiệp từ phía Tehran. Tình hình chỉ được làm rõ khi chính giáo sĩ điều hành chạy được ra ngoài. Có điều chính quyền vẫn tìm cách ém nhẹm chuyện này, khi các phương tiện truyền thông không có chút thông tin nào về sự kiện trên.
Tuy nhiên đến ngày 21-11, một số tờ báo của Mỹ dựa vào các nguồn tin riêng đã công bố đền thờ Al-Haram đã bị chiếm giữ, nhiều khả năng đó là các tay súng Iran. Riyadh khi đó đã phải công khai đính chính đó là những kẻ cuồng tín.
Đến lúc này, cộng đồng Hồi giáo lại xuất hiện những tin đồn về một âm mưu có sự dính líu của cả Mỹ và Israel. Một làn sóng biểu tình chống Mỹ đã bùng lên mạnh mẽ. Các tín đồ Hồi giáo giận dữ đã tấn công đại sứ quán Mỹ tại Pakistan và Lybia; một loạt cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Ấn Độ, Bangladesh, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ; khiến một vài người thiệt mạng. Saudi Arabia khi đó đã phải vội vàng đưa ra tuyên bố, những kẻ cuồng tín trong vụ trên không dính líu tới cả Mỹ lẫn Iran.
Những nỗ lực đầu tiên với các phương án chiếm lại ngôi đền đều thất bại, khi chính quyền chưa nắm rõ được số lượng cũng như vũ khí của nhóm nổi loạn. Ngoài những bất đồng trong đội ngũ chỉ đạo, bản thân các binh sĩ Saudi cũng không muốn tham gia vào vụ tấn công: họ nghi ngờ sẽ… không được lên thiên đường nếu tham gia bắn giết tại một địa điểm linh thiêng như vậy.
Cuối cùng, các hoàng thân Saudi quyết định sử dụng một đơn vị điều tới từ miền Bắc. Đêm ngày 22-11, sau loạt bắn mở đầu của pháo binh, 30 tay súng đặc nhiệm tìm cách xâm nhập vào cửa phía bắc nhưng nhanh chóng bị hỏa lực mạnh bắn chặn, khiến chỉ còn 6 quân nhân sống sót. Tiếp đó, một đơn vị đặc nhiệm từng huấn luyện tại Pháp được lệnh tấn công. Sau khi xâm nhập được vào trong, họ phải hứng chịu mưa đạn của những kẻ phản loạn phục kích từ khắp các hướng. Hậu quả là tất cả đều thiệt mạng, ngoài hai tay súng bị bắt sống.
Đánh chiếm bằng mọi giá
Ngày 23-11, các binh sĩ Saudi nhận được mệnh lệnh bằng mọi giá phải tổng tấn công vào đền thờ Al-Haram. Chiến dịch bắt đầu vào sáng sớm ngày 24-11 bằng hàng loạt các tên lửa bắn thẳng vào các tòa tháp, tiêu diệt hết những tay súng bắn tỉa. Những tên khủng bố đã chống trả hết sức quyết liệt. Một sĩ quan trực tiếp tham gia chiến dịch cho biết, nhiều tên khủng bố ban đầu còn giả vờ đầu hàng, rồi bất ngờ rút súng lục, dao và lựu đạn trong người tấn công.
Từ trước đó, Al-Qahtani luôn là tên đi đầu trong các cuộc đấu súng với lời khẳng định, hắn không thể bị tổn thương vì đã được thánh Allah che chở. Tuy nhiên, ngày định mệnh của Al-Qahtani đã đến vào sáng ngày 24-11, khi một quả lựu đạn nổ ngay dưới chân hắn. Những tên khủng bố vốn hy vọng được cứu vớt đã mất đi nhà tiên tri của mình.
Chiến sự đã ngớt vào chiều tối, khi những tên khủng bố đã rút vào khu hầm ngầm phía dưới đền thờ. Khu vực này có tới mấy tầng và được mệnh danh là một thành phố ngầm dưới đất. Những tên khủng bố trước đó đã tích trữ khá nhiều lương thực và vũ khí dưới đó, nên khả năng bao vây và bỏ đói chúng sẽ khó có thể thực hiện được.
Ban đầu, các quan chức Saudi gần như tuyệt vọng khi không có sơ đồ hay tài nguyên hữu ích nào để có thể tiếp cận được nhóm khủng bố. Tuy nhiên, các chuyên gia sau đó đã tìm được các sơ đồ và bản vẽ của đền Al-Haram. Nhờ đó, các binh sĩ đã xâm nhập được vào khu hầm ngầm nhưng không làm sao có thể áp sát và tiêu diệt nhóm phiến quân. Đã có nhiều phương án khác nhau được đưa ra (kể cả bơm nước ngập khu hầm ngầm), nhưng phương án đơn giản nhất được chọn là dùng hơi cay.
Nỗ lực đầu tiên đã thất bại khi hơi cay lại bốc lên trên khiến các nạn nhân đầu tiên lại là những binh sĩ của chính phủ. Hơn nữa, đám mây chất độc lại được gió khuếch tán khỏi đền thờ lan tới các khu cư dân tại Mecca, làm người dân buộc phải di tản khẩn cấp. Chính quyền Saudi phải nhờ đến sự giúp đỡ của mật vụ Pháp. Đêm 30-11, một đơn vị đặc nhiệm GIGN (đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của cảnh sát Pháp) do đại úy Paul Barril chỉ huy đã đặt chân tới Saudi Arabia.
Barril quyết định sử dụng một loại chất độc trước đó đã vài lần được GIGN sử dụng trong các chiến dịch giải cứu con tin. Loại khí này có tác dụng phong tỏa đường hô hấp, ở nồng độ cao có thể dẫn tới cái chết. Mật vụ Pháp nhanh chóng huấn luyện cho binh sĩ Saudi cách sử dụng trước khi bắt đầu cuộc tấn công cuối cùng. Sáng ngày 3-12, sau tiếng nổ lớn phá tan lỗ hổng ở sàn phía trên hầm ngầm, những can chất độc được quẳng xuống dưới hầm ngầm. Chờ đợi một thời gian, các binh sĩ Saudi đã đột nhập xuống vào thời điểm nhóm khủng bố đã bị vô hiệu hóa.
Hệ lụy
Theo các số liệu chính thức, chiến dịch chiếm lại đền Al-Haram đã khiến hơn 120 binh sĩ Saudi thiệt mạng, 461 người khác bị thương. Theo một số tính toán, có gần 1.000 người đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng này. Tất cả những kẻ khủng bố còn lại do Al-Otaybi đứng đầu (còn hơn 60 tên) đã bị công khai chém đầu vào ngày 9-1-1980.
Sau thảm kịch trên, chính quyền Saudi đã có một chiến dịch thanh trừng qui mô lớn trong lực lượng hành pháp. Hàng chục sĩ quan cao cấp bị cho nghỉ vì thiếu trách nhiệm và không chú trọng đào tạo binh sĩ. Sau cuộc cải cách này, lương của các quân nhân và vệ binh quốc gia được tăng gấp đôi. Chưa hết, những thành phần nhập cư đáng ngờ có quan điểm cực đoan từ Ai Cập đều bị trục xuất.
Tất cả những biện pháp trên tuy nhiên không thể ngăn chặn việc lan truyền những ý tưởng của Al-Otaybi và Al-Qahtani, khiến hàng loạt những nhóm khủng bố cực đoan lại xuất hiện. Điển hình là một kẻ hành hương Ai Cập sau khi tận mắt chứng kiến vụ đánh chiếm đền Al-Haram đã trở về nhà với những tư tưởng của hai tên chỉ huy khủng bố. Hai năm sau, chính nhân vật này đã trở thành chủ mưu vụ sát hại Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập.
Còn chính trùm khủng bố Osama Bin Laden cũng thay đổi hoàn toàn quan điểm sau vụ tấn công vào đền thờ. Trước đó, hắn từng là điển hình của một “thế hệ thanh niên vàng” Saudi luôn trung thành với chính phủ. Nhiều năm sau, Bin Laden thừa nhận niềm tin vào hoàng gia của hắn đã sụp đổ từ sau ngày hôm đó. Chẳng bao lâu, Bin Laden thành lập ra tổ chức khủng bố Al-Qaeda, từng nhận trách nhiệm về vụ khủng bố 11-9 tại Mỹ.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ho-so-vu-khung-bo-thanh-dia-mecca-575306/