Hồ thủy lợi gần 3 nghìn tỉ đồng thi công xong 'đắp chiếu' chờ đất rừng chuyển thành vùng tưới

Câu chuyện đội vốn từ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ là một trong những bất cập hiện nay. Còn ở tỉnh Gia Lai, cũng có một đại công trình do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư và ròng rã hơn 15 năm đã cơ bản hoàn thành. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn phải 'khát nước' bởi dự án vướng mắc về việc xây dựng vùng tưới.

Mặc dù nằm cách chân đập chỉ chừng vài trăm mét nhưng cánh đồng hàng trăm hecta của người dân xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bị bỏ hoang, khô nứt nẻ vì không có nước tưới. Việc canh tác, sản xuất lâu nay chỉ nhờ vào nguồn nước trời là chính.

Ông RMĂH EN, Làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai:“Ở đây chỉ làm được duy nhất 1 vụ lúa, năng suất thì kém, không có nước canh tác bà con khó khăn, quanh năm nghèo.”

Ông KPĂ PUI, Làng Krăl, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Tưởng rằng có thủy lợi bà con chúng tôi sẽ bớt khổ thế nhưng hơn chục năm nay chờ đợi vẫn chưa thấy gì, bà con vẫn phụ thuộc vào ông trời.”

Không chỉ thế, khi có mặt tại dự án này, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều hàng mục vẫn ngổn ngang, dang dở sau nhiều năm khởi công xây dựng. Hàng nghìn hecta đất bị bỏ hoang vì có nguồn gốc đất lâm nghiệp. Địa phương cũng đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên bộ ngành trung ương để có giải pháp tháo gỡ.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Mong mỏi lớn nhất làm sao Chính phủ và các ban ngành tìm cách tháo gỡ, sớm chuyển đổi các diện tích như dự kiến để bà con sớm hưởng lợi từ đại công trình thủy lợi này.”

Qua làm việc với đại diện Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, Bộ Nông Nghiệp là đại diện chủ đầu tư thì hiện nay các tuyến kênh của dự án đã cơ bản hoàn thành. Vùng tưới chưa phát huy hiệu quả vì đang chờ Chính phủ cho phép chuyển đổi khoảng 5 nghìn ha đất rừng tự nhiên sang đất nông nghiệp.

Ông VƯƠNG QUỐC THIẾT, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8:“Hồ Eamor cơ bản hoàn thành năm 2018-2019. Hệ thống kênh chính thì cũng cơ bản hoàn thành. Còn lại giai đoạn 2021-2025 thì Bộ sẽ tiếp tục đầu tư tiếp các hệ thống kênh ngang để phục vụ diện tích hiện có. Còn khu tưới, theo mục đích dự án ban đầu thì còn lại khoảng 4800 ha, trong đó 4757 ha rừng sẽ tiếp tục chuyển đổi thì mới đạt được mục tiêu. Để phát huy hiệu quả, Bộ đã làm việc với 2 địa phương và nghiên cứu mở rộng các vùng tưới xung quanh để phát huy hiệu quả và Bộ sẽ trình phương án để tối ưu nhất”

Tại cuộc họp cho ý kiến xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát nhiều và lớn hơn các vụ tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chẳng hạn ở Gia Lai, có những công trình thủy lợi hơn 3.000 tỷ bạc làm xong từ lâu vẫn không tưới được thì trách nhiệm của ai? Tưới cho 2 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Đấy là lãng phí nhiều hay ít? Nguyên nhân là dưới hạ lưu là đất rừng. Không biết lúc khảo sát làm thế nào?”

Một đại công trình với hơn 3000 tỉ đồng chưa được khai thác, đi vào sử dụng bởi vướng đất rừng và muốn trở thành vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr, thì vùng đất lâm nghiệp này phải chuyển đổi thành đất nông nghiệp, sản xuất lúa nước và hoa màu. Chính bởi vậy, các dự án chậm hoàn thành và không phát huy được hiệu quả đã và đang gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Người dân thì rơi vào cảnh khô hạn, khát nước, khó khăn về phát triển kinh tế. Công trình đã hoàn thiện đành đắp chiều chờ chuyển đổi gần 5000 ha rừng. Đã đến lúc cần kiểm tra, giám sát và làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.

Thực hiện : Duy Hòa Văn Lệ Đức Hưng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ho-thuy-loi-gan-3-nghin-ti-dong-thi-cong-xong-dap-chieu-cho-dat-rung-chuyen-thanh-vung-tuoi