Hồ thủy lợi 'kép'…

Nằm trên vùng cao Phan Sơn - Phan Lâm, huyện Bắc Bình, hồ chứa nước Sông Lũy có dung tích thiết kế gần 100 triệu m3 được xem lớn nhất Bình Thuận đến thời điểm hiện tại. Với trữ lượng nước dồi dào này, hồ không chỉ cung cấp nước tưới sản xuất, sinh hoạt phía Bắc tỉnh, mà còn phục vụ nước cho Khu du lịch quốc gia Mũi Né đang hình thành…

Hồ thủy lợi

 Thi công hồ Sông Lũy.

Thi công hồ Sông Lũy.

Tích nước cuối năm nay

Trên tuyến quốc lộ 28B từ thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình, Bình Thuận) lên huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), lâu nay du khách thường thấy hồ thủy điện Đại Ninh trong xanh giữa chốn rừng núi giáp ranh 2 tỉnh, nay có thêm công trình hồ chứa nước Sông Lũy sắp hoàn thành. Ở cạnh tuyến quốc lộ này, con đập chính hồ Sông Lũy được đắp bằng bê tông dài chắn ngang dòng sông Lũy đoạn chảy qua xã Phan Sơn - Phan Lâm đang hiện rõ ra trước mắt. Hai bên bờ sông, tường thành dày cao lớn được đúc từ hàng ngàn m3 bê tông nối dài ra giữa dòng đã “hợp long” với nhau, chặn dòng chuẩn bị tích nước... Vào mùa mưa nước thượng nguồn con sông Lũy đang chảy xiết xuống, đập tràn chỉ một cửa nhỏ điều tiết nước xuống hạ du. Hàng trăm công nhân, kỹ sư trên công trường đang hối hả, tất bật hơn với những phần việc giai đoạn cuối để hoàn thiện công trình tưới tiêu quan trọng cho vùng đất phía Bắc Bình Thuận.

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Tiến, phụ trách bộ phận thi công của nhà thầu chính Liên danh Công ty cổ phần Lắp máy Trung Nam cho biết: “Chúng tôi đã huy động 200 công nhân chia 3 ca làm việc ngày đêm ở đập chính, đập phụ, đập tràn...; cũng như tập kết hàng chục phương tiện chuyên dùng các loại xe (đào, ủi, lu, ben, bồn) phục vụ công trình. Do khối lượng bê tông lớn, đơn vị thi công đã thiết lập 3 trạm trộn bê tông trên công trường cùng 8 xe bồn chuyên chở đến tận chân đập, đã đổ 85.000/90.000 m3 bê tông tươi kịp thời vào các giàn sắt thép dày đặc cài đặt hoàn chỉnh của con đập chính, đạt 95% khối lượng”. Kỹ sư Tiến thông tin thêm, tổng thể công trình hồ chứa nước Sông Lũy có đập chính dài 1.160m gồm: đập bê tông trọng lực dài 325m (chiều cao 34m), đập đất dài 835m (chiều cao 15m); đơn vị đã thi công đập bê tông đến cao trình +127/133m, đạt 95% khối lượng bê tông; đập đất chính đạt cao trình +133/133m, đạt 100% khối lượng đất đá. Đập đất phụ dài 725m (chiều cao 9,5m) thi công đạt 100% khối lượng... Cùng với đó, hồ còn có 4 khoang tràn tự do, mỗi khoang dài 40m, lưu lượng xả thiết kế 45m3/s; tràn có cửa với lưu lượng xả lũ 1.352 m3/s. Cống lấy nước thủy lợi dài 28m lưu lượng thiết kế 40 m3/s; cống lấy nước sinh hoạt đường kính ống 2,2m, dài 28m, lưu lượng thiết kế 4 m3/s... Các hạng mục trên đều hoàn chỉnh đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch của chủ đầu tư Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp & PTNT). Tuy nguồn vốn chủ đầu tư giải ngân “khiêm tốn”, nhưng phía đơn vị thi công cân đối nguồn vốn cho công trình đảm bảo tiến độ... “Với tiến độ khả quan này, công trình hồ Sông Lũy sẽ đảm bảo tích nước giai đoạn 1 vào cuối tháng 9 này, với trữ lượng 12 - 14 triệu m3 nước. Cuối năm nay, hồ hoàn thành tổng thể đón nguồn nước mưa lũ ở thượng nguồn đổ về sẽ tích nước theo thiết kế 99,9 triệu m3 phát huy hiệu quả của hồ”, kỹ sư Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ…

Nước cho nông nghiệp và du lịch ven biển

Trong khuôn khổ này, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: Với khối lượng nước theo dung tích thiết kế 99,9 triệu m3 trữ vào cuối năm nay, hồ chứa nước Sông Lũy tưới tiêu 24.200 ha đất canh tác huyện Bắc Bình, cấp bổ sung nước sinh hoạt cho huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết; trong đó tưới ổn định 20.080 ha khu tưới Châu Tá 812 và khu tưới Phan Rí - Phan Thiết bằng các hệ thống kênh hiện có; đồng thời tưới tăng thêm cho khu tưới Châu Tá 812: 4.120 ha. Bên cạnh, hồ còn cấp nước tưới, sinh hoạt và du lịch cho trạm bơm Lê Hồng Phong với lưu lượng 2m3/s; duy trì dòng chảy môi trường mùa khô; giảm lũ hạ du; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt nhằm cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân trong vùng; kết hợp phát điện... Có thể thấy một điều rằng, vùng đất khô hạn Bắc Bình lâu nay sẽ được nguồn nước mát từ hồ Sông Lũy dẫn về tưới tiêu những cánh đồng lúa bạt ngàn; nguồn nước ấy còn giúp người dân ở đây chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng có giá trị hơn. Bên cạnh, nước cung cấp các khu quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện như khu công nghiệp Sông Bình chế biến titan và các doanh nghiệp trên địa bàn...

Thông qua trạm bơm Lê Hồng Phong, nguồn nước trong xanh ấy dẫn về hệ thống cấp nước khu Lê Hồng Phong tưới mát vùng tiểu sa mạc thuộc các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, tiềm năng kinh tế cả khu vực này sẽ được đánh thức. Ông Huỳnh Đông Dược, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong (Bắc Bình) vui vẻ cho biết: “Nhà nước hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương bê tông trên địa bàn nhưng lâu nay chưa có nước, chúng tôi đang mong nguồn nước từ hồ Sông Lũy dẫn về đây tưới tiêu khu sản xuất 200 ha của xã, từng bước chuyển đổi sang cây ăn trái như: xoài, mãng cầu, nhãn, thanh long... Có nước sẽ tạo điều kiện cho các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn triển khai xây dựng, thu hút lao động địa phương, vùng khô hạn này sẽ có cơ hội vươn lên”. Nhìn ra rộng hơn, nguồn nước hồ Sông Lũy sẽ dần mở rộng, góp phần phục vụ hàng chục dự án du lịch ven biển đăng ký đầu tư nằm trong vùng quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nước là yếu tố quan trọng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch ven biển. Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ có thêm điều kiện “cất cánh” trong những năm tới.

Với tầm quan trọng của dự án hồ Sông Lũy đối với Bình Thuận, cách đây không lâu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đoàn đến thăm, kiểm tra tiến độ công trình đồ sộ này. Ông đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Bình Thuận, huyện Bắc Bình, chủ đầu tư, đơn vị thi công cho công trình đạt tiến độ khả quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi hoàn thành tích nước, hồ Sông Lũy dung tích nước 99,9 triệu m3 lớn nhất tỉnh hiện nay cần được tỉnh đầu tư nối mạng hệ thống thủy lợi huyện Bắc Bình với huyện Tuy Phong để tăng khả năng cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho vùng rộng lớn phía Bắc Bình Thuận, tăng nguồn nước cho vùng công nghiệp năng lượng, du lịch Tuy Phong… Lợi thế nguồn nước trong xanh từ hồ Sông Lũy đang dần dần hiện rõ trên vùng đất khô hạn của tỉnh, dòng nước ấy đang chờ nối mạng đánh thức tiềm năng kinh tế từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch ven biển…

Thái Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/ho-thuy-loi-kep-%E2%80%A6-130764.html