Hỗ trợ an sinh - đừng chỉ là lời nói!
Hỗ trợ an sinh, hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, hãy là hành động cấp bách chứ đừng chỉ là lời nói rồi để đó.
“Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế” - ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trên nghị trường Quốc hội đã nhận được sự chú ý và đồng tình của cử tri cũng như chính các đại biểu Quốc hội.
1. Giá cả tăng cao, cắt giảm triệt để chi tiêu, lao đao bởi “bão giá”, người dân chật vật, doanh nghiệp gặp khó… là những cụm từ xuất hiện ngày càng dày đặc trên các phương tiện truyền thông nhiều tháng qua.
Bóng dáng lạm phát đã lấp ló ngay từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần khi nhiều mặt hàng thiết yếu nối đuôi nhau thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, liên tiếp những tháng sau đó cho tới nay, việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới đã là tác nhân đẩy giá cả đi từ nấc thang này lên nấc thang khác cao hơn.
Người tiêu dùng, chịu tác động nặng nề nhất là lao động tự do, người làm công ăn lương, trong bối cảnh giá tăng lương không tăng, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu, chỉ tiêu dùng những thứ cực kỳ thiết yếu.
Và trong bối cảnh giá cả chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt thì với nhiều gia tình, mọi phương án chi tiêu, cân đối đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi không thể tính toán, cân nhắc hay thắt chặt hơn được nữa. Từ áp lực tiền bạc tới áp lực tinh thần là khoảng cách không hề xa. Nhiều gia đình, hộ dân đang trở nên hết sức bí bách, bức bối trước mức sống ngày càng eo hẹp.
Không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng quay cuồng, lao đao, “vã mồi hôi hột” bởi bão giá. Chưa hồi phục sau đại dịch, chi phí đầu vào lại tăng mạnh, các doanh nghiệp “vò đầu bứt tóc”.
Ảnh hưởng nhất là các doanh nghiệp vận tải, bán lẻ. Tăng cước phí, giá cả hàng hóa là đương nhiên nhưng không là giải pháp mà các doanh nghiệp mong muốn. Đơn giản vì không phải muốn tăng bao nhiêu là tăng được.
“Giá nhiên liệu chiếm khoảng 25-30% chi phí của doanh nghiệp, hiện giá xăng tăng cao, chiếm đến 30-40% tổng chi phí, trong khi giá cước taxi khó có thể điều chỉnh quá nhanh như vậy” - chia sẻ từ đại diện Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh là ví dụ.
2. “Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh” - ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trên nghị trường Quốc hội hoàn toàn là sự gợi mở để các nhà quản lý, các cơ quan chức năng có ngay những giải pháp.
Thực ra, hỗ trợ an sinh đã được triển khai từ khá lâu, tuy nhiên, đánh giá như thế nào về tốc độ, triển khai của các gói hỗ trợ đó lại là điều phải bàn. Điều đáng mừng là tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 ngày 4/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản... Bảo đảm cung cầu, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Ngày 20/5, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống… khi vay vốn ngân hàng sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù 2% lãi suất, kéo dài đến cuối năm 2023.
Trước đó, ngày 19/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội theo hướng đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Trong đó có những đầu việc hết sức thiết thực cụ thể như: Chỉ đạo thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022;, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động…
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những gói hỗ trợ về tài chính, an sinh, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này. TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), phân tích, trong hoàn cảnh này, nên giảm các loại thuế phí để hỗ trợ các doanh nghiệp. Việc tăng thuế phí là điều nên tránh, bởi thuế phí tăng đẩy giá hàng hóa tăng sẽ tiếp sức cho lạm phát tăng cao. Khảo sát mới đây của VCCI cũng cho thấy, kiến nghị phổ biến nhất của các doanh nghiệp hiện nay là không tăng các loại thuế, phí.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với 3.500 USD/người/năm, do đó tăng các loại thuế, phí sẽ tác động lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo, vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong lạm phát. Thuế, phí tăng cũng ảnh hưởng đến sức mua và doanh thu của các DN, dẫn đến giảm doanh thu, cắt giảm lao động, gia tăng thất nghiệp.
Câu chuyện ghìm cương giá xăng cũng là “việc cần làm ngay” bởi giá xăng tăng sẽ “ủn” tất cả các loại giá cả tăng theo. Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tại Việt Nam thực ra cũng đang trong vòng xoáy tăng giá phi mã như nhiều quốc gia khác.
Vì vậy, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới trong việc tìm giải pháp kìm giá xăng dầu. Câu chuyện nước Đức giảm thuế, phí để kìm giá xăng dầu ra sao hay câu hỏi: Vì sao giá xăng Malaysia rẻ chỉ bằng 1/3 Việt Nam? hoàn toàn là những vấn đề thực sự đáng lưu tâm.
Trước đó, để giúp giảm giá xăng, mức giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022 đã được Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, DN, mức giảm này vẫn ít ỏi bởi trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới và trong nước vẫn liên tục tăng cao.
Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng”, đại biểu đề nghị các cấp thẩm quyền cần sớm quyết định điều chỉnh thuế TTĐB, thuế GTGT tương tự như hạ thuế BVMT vừa qua. Nhiều đại biểu đã đề xuất tới câu chuyện tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp nguồn thu ngân sách khi giảm thuế xăng dầu; tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước…
Đó hoàn toàn là những gợi mở cần có sự nghiên cứu, thảo luận để tìm ra giải pháp. Hỗ trợ an sinh, hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, hãy là hành động cấp bách chứ đừng chỉ là lời nói rồi để đó.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ho-tro-an-sinh--dung-chi-la-loi-noi-post198389.html