Hỗ trợ các điều kiện thiết yếu, đảm bảo sinh hoạt cho các hộ phải tạm thời sơ tán
Trước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, tỉnh Thanh Hóa và Bắc Ninh đã chủ động di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời, hỗ trợ các điều kiện thiết yếu, đảm bảo sinh hoạt khi tạm thời sơ tán.
Thanh Hóa: Sơ tán 936 hộ dân ở nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Sáng 12/9, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, để chủ động ứng phó với mưa lũ, tỉnh đã chủ động sơ tán người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn.
Cụ thể đã có 936 hộ dân với 3.943 khẩu thuộc các huyện miền núi Như Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân, Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy đã được sơ tán đến nơi an toàn. Cùng với đó, tỉnh sơ tán 91 người dân tại các nhà xưởng, chòi canh, lán trại ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao về nơi tránh trú an toàn…
Theo thông tin từ UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa), huyện có 138 hộ phải sơ tán. Trong đó 133 hộ di dời do nguy cơ sạt lở đất, đá, nhà ở không an toàn; 5 hộ di dời do bị tốc mái. UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo UBND xã, thị trấn kiểm tra các khu vực xung yếu, trọng điểm để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, địa phương huy động lực lượng chức năng di chuyển đồ cho các gia đình bị tốc mái và nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở an toàn; hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để đảm bảo sinh hoạt cho các hộ phải tạm thời sơ tán.
Tại huyện miền núi Quan Hóa, những ngày qua, mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên sông Mã, sông Luồng làm ngập lụt các khu vực trũng thấp, khu vực sản xuất nông nghiệp, các ngầm tràn, gây sạt lở nhiều điểm tại Quốc lộ 15, Quốc lộ 16, Tỉnh lộ 521 và các đường liên xã, liên thôn. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động sơ tán 320 hộ dân với 1.216 khẩu; 27 công nhân của 2 xưởng đũa tại bản Đỏ, xã Phú Thanh; vận động, sơ tán 64 người dân từ các chòi, ao, lán trại... khu vực nguy cơ cao đến nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, ở Thanh Hóa vẫn tiếp tục có mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. Kiểm tra tại 3 huyện miền núi có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt ở đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản của nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét.
Ông Lê Đức Giang yêu cầu, các ngành có liên quan phối hợp với các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn khắc phục thiệt hại, nhất là về nhà ở, sạt lở gây chia cắt giao thông để người dân sớm ổn định cuộc sống. Các địa phương chăm lo chu đáo nơi sơ tán, nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân; rà soát các hộ sống ven sông, suối có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và ngập lụt, đề xuất phương án xử lý khẩn cấp...
Bắc Ninh: Đảm bảo an toàn cho người dân ở ngoài bãi sông
Do nước lũ sông Cầu và sông Đuống lên cao, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo di dời hơn 650 hộ dân ở các khu vực dân cư ở ngoài bãi sông để bảo đảm an toàn.
Cụ thể, thành phố Bắc Ninh đã di dời 400 hộ dân với 1.750 nhân khẩu thuộc khu vực đê bối Khu Quả Cảm và khu vực đê bối khu Đẩu Hàn (phường Hòa Long). Huyện Tiên Du đã di dời 30 hộ dân với 104 nhân khẩu thuộc xã Cảnh Hưng, xã Minh Đạo và xã Tân Chi. Huyện Gia Bình đã di dời 105 hộ dân với 395 nhân khẩu thuộc thôn Tân Tiến (xã Cao Đức). Huyện Yên Phong đã di dời 120 hộ dân với 500 nhân khẩu thuộc xã Hòa Tiến. Công tác di dời nhân dân được đảm bảo an toàn.
Trực tiếp đến thăm, động viên những khu dân cư đã di dời, lãnh đạo tỉnh yêu cầu, các địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ thực hiện sơ tán dân, di dời tài sản đến nơi an toàn; tập trung hỗ trợ tối đa người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, không để ai bị thiếu thốn; nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men. Các địa phương cần chủ động bố trí chỗ ở để sẵn sàng di chuyển người dân khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Đồng thời động viên người dân tin tưởng, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng. Về lâu dài, tỉnh sẽ chỉ đạo chính quyền các cấp thống kê thiệt hại, hỗ trợ kịp thời để nhân dân yên tâm phát triển sản xuất.
Theo thông tin của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, mực nước lũ trên sông Cầu tại Phúc Lộc Phương, Đáp Cầu, sông Thái Bình đang ở mức trên báo động 3. Mực nước trên sông Đuống tại Bến Hồ đang ở mức trên báo động 2. Mực nước lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở trên báo động 3. Toàn tỉnh còn 3.258,5 ha diện tích lúa ở khu vực trong đồng bị đầy nước do trong ngày tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Do mực nước các triền sông Cầu, sông Thái Bình, sông Đuống ở mức cao nên toàn tỉnh hiện có khoảng 1.452,4 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị úng ngập toàn bộ. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương thống kê thiệt hại để hỗ trợ kịp thời cho người dân.