Hỗ trợ chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em
Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng việc được tương tác, chăm sóc tích cực và được yêu thương bởi gia đình sẽ giúp trẻ phát triển đầy đủ về trí tuệ, cảm xúc...
Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tổ chức các cuộc khảo sát; triển khai các hoạt động đồng hành hỗ trợ (cấp độ 1 và 2), nhất là với trẻ em và gia đình có nhiều khó khăn liên quan đến giáo dục, y tế, pháp lý, dinh dưỡng…
Bên cạnh đó, Dự án cũng thực hiện các hoạt động tập huấn liên quan đến kiến thức và kỹ năng trong việc chăm sóc trẻ em trong những năm đầu đời cho người chăm sóc trẻ; tổ chức các câu lạc bộ nuôi dạy con trong cộng đồng cho các cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ dưới 3 tuổi là thân chủ của dự án; tập huấn nâng cao năng lực giáo dục mầm non cho người chăm sóc trẻ tại các nhóm lớp mầm non tư thục cùng các hoạt động kết nối, đồng hành hỗ trợ các dịch vụ…
Bà Mai Thị Ngọc Mai - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của mỗi gia đình mà còn của toàn xã hội. Đặc biệt, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong giai đoạn đầu đời luôn giữ vai trò quan trọng, then chốt trong việc hình thành và phát triển của trẻ khi trưởng thành.
Việc thực hiện Dự án cũng chính là thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện và những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/10/2018) góp phần hỗ trợ Thành phố từng bước bảo đảm các quyền cơ bản của các nhóm trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ, có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng, toàn diện với các dịch vụ hỗ trợ, giúp các em phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ và cả tinh thần.
Theo bà Mai, các chương trình can thiệp và hỗ trợ hướng tới nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục cho thấy định hướng phù hợp, có ý nghĩa không chỉ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non mà còn góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng của người chăm sóc trẻ trong bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, trong tiến trình các hoạt động giữa giai đoạn Covid-19 bùng phát, các thành viên dự án cũng đã kết nối và vận động chăm lo cho hơn 400 trẻ và gia đình gặp nhiều khó khăn với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, bà Julia Levivier - Trưởng đại diện Tổ chức PE&D tại Việt Nam đánh giá, dự án không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em nói chung mà còn thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.
Bà Julia Levivier cũng nhấn mạnh vai trò của việc chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời. Theo đó, việc phát triển tuổi thơ (từ khi thụ thai tới khi trẻ được đi học) sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển não bộ của trẻ trong tương lai.
Các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng việc được tương tác, chăm sóc tích cực và được yêu thương bởi gia đình sẽ giúp trẻ phát triển đầy đủ về trí tuệ, cảm xúc. Dẫn chứng những thành công của dự án, bà Julia Levivier cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các hoạt động sắp tới.