Hỗ trợ cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Đến nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại 1.275 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 95 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.175 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Hoạt động của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Hoạt động của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Trải qua 21 năm, hoạt động của BHTGVN đã đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là việc giám sát các hoạt động và hỗ trợ, tạo tiền đề để các TCTD hoạt động ổn định; góp phần hỗ trợ cơ cấu lại hệ thống các TCTD; từ đó tạo nguồn lực cho công cuộc đổi mới phát triển đất nước.

Để bảo vệ người gửi tiền, BHTGVN cần xây dựng 3 hàng rào để bảo vệ cho người gửi tiền. Hàng rào thứ nhất là các cơ chế giám sát các tổ chức tham gia BHTG. Hàng rào này hoạt động hiệu quả khi BHTG phát hiện sớm những bất ổn tài chính của các TCTD, để từ đó có biện pháp kịp thời để tình hình tài chính của các TCTD không xấu thêm và từng bước phục hồi.

Hàng rào thứ 2 là hỗ trợ tài chính cho các TCTD đã rơi vào tình trạng yếu kém, thậm chí là mất kiểm soát, có nguy cơ bị phá sản. Hàng rào cuối cùng chính là chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền.

Hiện nay, hoạt động của các TCTD về cơ bản là hoạt động ổn định, an toàn. Tuy nhiên, các TCTD tại Việt Nam thường có vốn mỏng, nguồn vốn để cho vay nền kinh tế chủ yếu là từ huy động vốn của các tổ chức và cá nhân. Thông thường các khoản cho vay vốn thường có kỳ hạn trung bình dài hơn so với các khoản huy động vốn. Ngoài ra, việc cho vay còn có rủi ro không thu hồi được nợ là rất cao. Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Hướng dẫn và nghiên cứu (IADI) thì tại các nước tham gia IADI, nguyên nhân các TCTD gặp vấn đề về tài chính như sau: thiếu vốn - 28 tổ chức được hỏi (87,5%); thiếu thanh khoản - 26 tổ chức được hỏi (81%); chất lượng tài sản kém (75%), các thông lệ không an toàn và không lành mạnh (81%). Các nguyên nhân khác được đề cập bao gồm: tập trung quá nhiều rủi ro, vi phạm luật chống rửa tiền và các luật, các quy định khác, lãi suất tiền gửi cao, hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém, thất bại trong việc khắc phục thiếu sót hoặc đưa ra thông tin đáng tin cậy,...

Đặc biệt, vẫn có một số TCTD hoạt động chưa hiệu quả, thiếu an toàn. Cá biệt có một số TCTD rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, không an toàn. Hoạt động của các TCTD theo hệ thống. Khi một TCTD gặp khó khăn rất dễ gây ra đổ vỡ hàng loạt. Vì vậy, việc tham gia của các tổ chức, cơ quan vào việc kiểm soát hoạt động của các TCTD, việc cơ cấu lại các TCTD ngay từ khi các TCTD có vấn đề về tài chính là rất cần thiết.

Khi các TCTD gặp vấn đề về tài chính cần cơ cấu lại sẽ đòi hỏi một nguồn tài chính rất lớn. Việc cơ cấu lại các TCTD cần huy động nhiều đối tượng có tiềm lực về tài chính tham gia. Hoạt động của BHTG gắn liền với hoạt động của các TCTD, khi các TCTD phá sản thì BHTG là cơ quan đứng ra thanh toán tiền BHTG cho người gửi tiền. Với nguồn lực tài chính sẽ là cơ sở để BHTGVN tham gia một cách có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, hỗ trợ phục hồi các TCTD có vấn đề, qua đó góp phần đảm bảo an toàn hệ thống.

Để hàng rào thứ hai hoạt động hiệu quả, các văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, trong thời gian tới là Luật BHTG. Triển khai quy định Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD và để các giải pháp tài chính của BHTGVN hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại các TCTD có thể thực hiện được, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BTC ngày 1/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 quy định chế độ tài chính đối với BHTG Việt Nam. Thông tư số 20/2020/TT-BTC được ban hành là cơ sở pháp lý về tài chính đối với nhiệm vụ mới của BHTG Việt Nam.

Năng lực của bảo hiểm tiền gửi ngày càng tăng

Đến nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại 1.275 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 95 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.175 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô. Từ nguồn vốn ban đầu được cấp là 1.000 tỷ đồng, nguồn lực tài chính của BHTGVN đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2019, vốn điều lệ của BHTGVN đạt 5.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản của BHTGVN ước đạt gần 58.000 tỷ đồng, trong đó, quy mô Quỹ dự phòng nghiệp vụ ước đạt 53.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được BHTGVN đầu tư an toàn theo các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo khả năng thanh khoản, phù hợp với nhu cầu nghiệp vụ. Với nguồn lực tài chính này, BHTGVN có điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng trong các năm tiếp theo, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả.

Nguyễn Tiến Dũng - Hoàng Thị Việt Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-11-09/ho-tro-co-cau-lai-he-thong-cac-to-chuc-tin-dung-94847.aspx