Hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần sự vào cuộc của không chỉ ngành giáo dục
Ngày 11/11, bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ quan điểm của mình về phần trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên đào tạo nghề
Trước tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, các cơ sở mầm non ngoài công lập buộc phải đóng cửa khiến trên 90.000 lao động buộc phải chuyển việc, mất việc làm; còn khoảng 1,2 triệu trẻ em tới đây có thể không có chỗ đi học. Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong, một bộ phận rất lớn trong tổng số 155.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở mầm non ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ sở giáo dục đóng cửa tạm thời cũng khiến cha mẹ của các cháu sẽ gặp khó khăn trong việc trông, chăm sóc các cháu. Đây là khó khăn “kép”.
Đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Chính phủ đã có những phương án để hỗ trợ cho giáo viên, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng như những người làm tại đó. “Tuy nhiên, tôi cho rằng với mức đề xuất hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói còn thấp so với kỳ vọng. Hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có lẽ sẽ cần nhiều biện pháp hơn nữa. Cần sự vào cuộc, không phải chỉ của ngành giáo dục mà còn cả các ngành, các cấp chính quyền”, đại biểu Đôn Tuấn Phong khẳng định.
Đánh giá về con số 40% lao động sẽ có khả năng không đáp ứng được yêu cầu trong 5 năm tới, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, con số trên thực ra không phải đến thời điểm này chúng ta mới đặt ra bởi vì trong tác động của công nghệ, thời đại công nghiệp 4.0, sự biến động về thị trường lao động, những nghề mới sẽ hình thành, những nghề cũ sẽ mất đi. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhân lực lao động tất yếu đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 lại càng là một áp lực rất lớn.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra những giải pháp về cơ bản rất hợp lý, bởi vì cần phải tính đến sự dự báo về những thay đổi, sự biến động trong những năm tới. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên đào tạo nghề. Đại biểu mong muốn cùng với việc nêu trách nhiệm của ngành cần phải có những giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể.
Nhấn mạnh về sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo với lao động phi chính thức và những hộ kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng tiềm năng lực lượng này rất lớn. Trong đại dịch COVID-19, cần chính sách an sinh để đưa lực lượng này quay trở lại lao động sớm nhất có thể. Đại biểu rất tán thành với phần trả lời của Bộ trưởng về những chính sách vừa qua đã thực hiện để hỗ trợ cho lực lượng lao động phi chính quy cũng như các hộ, doanh nghiệp. “Tuy nhiên, đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng có những việc trước mắt chúng ta làm được nhưng đối với lực lượng này phải có những chính sách dài hơi hơn để làm sao khi lực lượng này quay trở lại phải có một môi trường sống và làm việc an tâm hơn. Họ phải có được những thông tin chính thức hơn về thị trường lao động để bảo đảm tham gia một cách chủ động và an toàn hơn”- đại biểu nêu.
Giải ngân vốn đầu tư công phải được đẩy mạnh hơn
Đánh giá phần giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề của ngành giáo dục của các Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chiều 11/11, đại biểu Đôn Tuấn Phong nhận xét: Nội dung trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thỏa đáng, ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong, nội dung của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là một vấn đề rất khó. Trước tác động của dịch COVID-19, học sinh, sinh viên buộc phải học từ xa. Trong khi đó, đây là vấn đề đặc biệt khó khăn, thách thức đối với khoảng 1,5 triệu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Giải quyết được bài toán về chương trình hỗ trợ học sinh khu vực này là hết sức khó khăn. Hơn nữa, học từ xa, học online không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng phổ cập mà còn có thể ảnh hưởng rất lớn về tâm sinh lý. Tôi hy vọng rằng các cấp chính quyền, ngành giáo dục cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này”, đại biểu Đôn Tuấn Phong nói.
Kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trả lời rõ thêm về mục tiêu Chính phủ đề xuất tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022 trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đại biểu Đôn Tuấn Phong nói “đây là một mục tiêu khá tham vọng”.
Để đạt được mục tiêu đó, theo đại biểu An Giang, cần sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành với những điều kiện khách quan nhất định: Đó là dịch bệnh trên thế giới sẽ được kiểm soát, các chuỗi sản xuất cung ứng không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các gói an sinh xã hội “lớn hơn và kịp thời hơn” để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng cần có chính sách bổ sung để đảm bảo các doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
“Trong bối cảnh khó khăn như vậy, đầu tư công là một trong những chính sách hết sức quan trọng. Giải ngân thời gian qua mặc dù đã cố gắng nhưng còn ở mức độ rất thấp. Tôi hy vọng rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công phải được đẩy mạnh hơn”, đại biểu Đôn Tuấn Phong bày tỏ.