Hỗ trợ dân 'ngoài đê'

Trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mực nước sông Hồng dâng cao đã tác động đến cuộc sống của người dân ở khu vực ngoài đê. Chính quyền Thủ đô đã khẩn trương tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nhân dân ở khu vực này di dời đến nơi an toàn, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ.

Chung tay vượt lũ

Buổi trưa 12-9, chúng tôi có mặt tại khu vực tổ dân phố số 11, ngõ 823, đường Hồng Hà-một trong những khu vực bị lũ ngập sâu nhất ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Anh Nguyễn Hoàng Long, một người dân ở ngõ này vừa cởi chiếc áo phao trên người vừa bảo: “Nước năm nay lên nhanh quá, gia đình tôi khi nhận được cảnh báo của chính quyền địa phương ngay lập tức sơ tán đồ đạc lên tầng 2, riêng bộ bàn ghế gỗ nặng quá nên không thể di chuyển được đành để ngâm nước vậy. Hiện nay mực nước trong nhà tôi chừng khoảng 1,5-1,6 mét. Từ tối hôm trước, vợ con tôi phải di chuyển vào phố phía trong đê ở nhờ nhà họ hàng. Còn tôi thì mỗi ngày lại ghé về nhà một lần để kiểm tra, đồng thời xem tình hình mực nước lũ thế nào. Ở ngõ này, hầu hết mọi người đều sơ tán đi nơi khác rồi”.

 Người dân sơ tán tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình-cơ sở 2, được chăm lo các bữa ăn đầy đủ. Ảnh: VIỆT ANH

Người dân sơ tán tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình-cơ sở 2, được chăm lo các bữa ăn đầy đủ. Ảnh: VIỆT ANH

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Diệp, Phó chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết: “Hiện nay, phường đã vận động, tổ chức sơ tán 231 người ở khu vực ven bờ vở sông Hồng, trong đó có 31 người (gồm 12 trẻ em, trẻ nhỏ nhất 3 tháng tuổi; 12 người trên 70 tuổi) được đưa đến Nhà văn hóa quận Tây Hồ (đường Lạc Long Quân). Phường, quận đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như quạt, chăn, màn; vận động các nhà hảo tâm ủng hộ nước, mì ăn liền, bánh chưng, sữa, cháo... Riêng đối với trẻ em, người già, chúng tôi cử đội ngũ cán bộ y tế phường thay nhau khám sức khỏe cho các cụ, hướng dẫn các bậc phụ huynh chăm sóc các cháu nhỏ”.

Sắp tới, dịp Tết Trung thu, phường Yên Phụ và quận Tây Hồ đã bố trí ngân sách cùng kết hợp xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tổ chức "Tết đoàn viên” cho các cháu. "Không chỉ ứng phó với bão số 3 và lũ trên sông Hồng, chúng tôi còn cùng quận Tây Hồ chuẩn bị vật tư, hóa chất để tiến hành vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ", bà Nguyễn Hồng Diệp cho biết thêm.

Nhanh chóng ổn định cuộc sống

Lãnh đạo phường Phúc Xá, quận Ba Đình thông tin, khi nước lũ dâng cao, chính quyền sở tại, Ban CHQS quận Ba Đình, dân quân tự vệ, cán bộ y tế, Đoàn Thanh niên đã nhanh chóng đưa người dân đến nơi an toàn; đồng thời phối hợp với các phường nơi người dân đến sơ tán để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con.

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình-cơ sở 2 ở số 67 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương, tích cực của cán bộ chính quyền địa phương đang làm công tác bảo đảm ăn uống, vệ sinh cho những người dân được di dời từ khu vực ngoài đê. Lực lượng đoàn viên vệ sinh môi trường xung quanh nơi người dân ở và hỗ trợ người già, trẻ nhỏ di chuyển, ổn định tại nơi ở mới.

Trao đổi với phóng viên, anh Phùng Văn Hùng cho biết: “Tôi được di dời từ tổ 3, phường Phúc Xá đến nơi sơ tán tập trung từ đêm 10-9 để tránh tình trạng ngập lụt. Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, chúng tôi được chính quyền địa phương bảo đảm 3 bữa ăn mỗi ngày cùng thuốc men, quần áo, chăn màn đầy đủ. Các trang thiết bị, nhu yếu phẩm ở đây thậm chí còn đầy đủ hơn cả khi chúng tôi ở khu vực ngoài đê”.

Cùng chung nhận xét, bác Lê Thị Hinh ở tổ 3, phường Phúc Xá nói: “Ở nơi sơ tán, chúng tôi được các ban, ngành, lực lượng chức năng quan tâm, chăm sóc về mọi mặt. Những người già, trẻ nhỏ ốm đau còn được cán bộ y tế phường Trúc Bạch thăm khám, cấp thuốc đầy đủ”.

Đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho hay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình có khả năng tiếp nhận 400 người dân, hiện tại có hơn 50 người dân được di dời từ phường Phúc Xá về đây. Chính quyền địa phương đã bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thực phẩm, thuốc men, điện, nước phục vụ bà con tại đây.

Đến 7 giờ ngày 12-9, UBND quận Hoàn Kiếm đã huy động gần 2.500 người để di dời 1.203 hộ với 3.672 người ra khỏi khu vực ngập lụt, nguy hiểm. UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo UBND các phường Chương Dương, Phúc Tân và những đơn vị liên quan lập danh sách các hộ dân cần di dời; chuẩn bị nơi ở an toàn cho người dân phải di dời, bảo đảm lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân; phân công lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng khu vực, bảo đảm không bỏ sót người dân.

ANH VIỆT - NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ho-tro-dan-ngoai-de-794298