Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: Quy định đã có, sao khó thực hiện?
Việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) đã được Trung ương và tỉnh quy định cụ thể trong chương trình khuyến công.
Chính sách này đã có hiệu lực nhiều năm nay nhưng tại Hải Dương vẫn chưa có một CCN nào được hưởng hỗ trợ.
Hỗ trợ tối đa 6 tỷ đồng
Tháng 5.2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Điều 4 của Nghị định này quy định về việc hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển CCN; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN...
Để hướng dẫn thực hiện nghị định, cuối năm 2012, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung khuyến công.
Tiếp đó, tháng 2.2014 liên bộ Tài chính và Công thương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014 hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Đến tháng 3.2018, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 28 quy định về việc lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công.
Theo nội dung của những thông tư trên, mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN đã được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/CCN; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN tối đa 50% chi phí nhưng không quá 500triệu đồng/CCN; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN không quá 6 tỷ đồng/CCN.
Về phía tỉnh, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cũng được quy định chi tiết tại Quyết định số 06/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Hải Dương". Theo đó, tỉnh quy định mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung chi cho hoạt động hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN.
Cụ thể, quy định chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN tối đa không quá 1,4 tỷ đồng/CCN; chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN với mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 450 triệu đồng/CCN; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN (bao gồm san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước tại các CCN) không quá 2,5 tỷ đồng/CCN.
Sở Công thương đang trình UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công tỉnh Hải Dương theo cơ chế mới để phù hợp với các quy định hỗ trợ của trung ương. Theo đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN được nâng lên với mức tối đa không quá 5 tỷ đồng/CCN (tăng gấp đôi so với trước).
Chưa thực hiện
Việc triển khai thực hiện quy định hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc. Đến nay, toàn tỉnh chưa có CCN nào được hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công của Trung ương và địa phương. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chương trình khuyến công trên chỉ áp dụng cho các CCN có chủ đầu tư hạ tầng.
Trong khi đó, đến hết năm 2019, toàn tỉnh mới có 7 trong tổng số 36 CCN có chủ đầu tư hạ tầng. Trong 7CCN này lại có 5 CCN mới có quyết định thành lập và chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án. Ngay cả khi CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng từ nhiều năm trước thì nhà đầu tư hạ tầng cũng không nhận được hỗ trợ.
CCN Lương Điền ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) chính thức được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh vào tháng 3.2016; Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương làm chủ đầu tư hạ tầng. Theo ông Bùi Văn Đà, Giám đốc công ty, việc đầu tư hạ tầng CCN khá tốn kém, thời gian hoàn vốn kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau nhiều năm triển khai đầu tư hạ tầng, đến nay, CCN Lương Điền đã được lấp đầy nhưng doanh nghiệp chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ hoạt động khuyến công.
“Trong quá trình thực hiện dự án, công ty gặp nhiều khó khăn. Công ty rất mong nhận được kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công cho hoạt động đầu tư hạ tầng”, ông Đà nói.
Theo thông tin từ Sở Công thương, các đề án khuyến công của tỉnh được hỗ trợ chủ yếu tập trung vào nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị. Việc hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được.
Nguyên nhân do kinh phí cho chương trình khuyến công từ ngân sách trung ương và địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định về việc lập và phân bổ dự toán, công tác hạch toán, quyết toán cho các nội dung khuyến công còn phức tạp.
Điều kiện để được hỗ trợ rất khó, tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn vào dự án hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; hồ sơ, thủ tục và thời gian thực hiện phải hoàn thành trong năm đăng ký…
Để các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN đi vào thực tế, các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục pháp lý.
Doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị các nguồn lực, tài chính để đẩy nhanh tiến độ dự án khi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để bảo đảm điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí riêng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cho hoạt động đầu tư hạ tầng CCN trong giai đoạn tới.