Hỗ trợ, định hướng cho nông dân đầu tư cơ sở sản xuất hiện đại
Chia sẻ tâm tư, nguyện vọng khi về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, nhiều đại biểu mong muốn, nhiệm kỳ tới hoạt động của các cấp hội sẽ có nhiều thay đổi mới, giúp người nông dân nhiều hơn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, đề ra những định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân đầu tư cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đại biểu Củng Thị Quang (46 tuổi, dân tộc Pu Péo, Hà Giang) chia sẻ, Pu Péo là một dân tộc có dân số ít thứ 3 trong 54 dân tộc ở Việt Nam, chỉ có khoảng 1.000 người, chủ yếu sinh sống ở Hà Giang. Đây là vùng dân tộc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, cũng như một số nghề thủ công như dệt, mộc, đan lát, rèn, làm gạch ngói, nấu rượu ngô… Là đại diện cho hội viên Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, đại biểu Củng Thị Quang kỳ vọng công tác hội sẽ ngày một phát triển, bà con dân tộc thiểu số sẽ học hỏi được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hay để về quê hương xây dựng, phát triển, khát khao đưa bản làng vươn xa.
Theo đại biểu H'Jen Niê (Đắk Lắk), những con số ấn tượng mà Đại hội VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đã đạt được cho thấy có rất nhiều sự thay đổi cả về nội dung và phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội có đông đảo hội viên. Với những mục tiêu đã đề ra, đại biểu H'Jen Niê kỳ vọng nhiệm kỳ tới hoạt động của các cấp Hội sẽ có nhiều thay đổi mới, giúp người nông dân nhiều hơn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
“Đại hội là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình hay, sản xuất giỏi để giúp sức trong sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn quốc nói chung”, đại biểu H'Jen Niê cho biết.
Đại biểu Lê Thanh Hiền (Vĩnh Long) bày tỏ ý kiến, Đại hội đại biểu lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại của Hội Nông dân Việt Nam. Hội viên nông dân của tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng Đại hội sẽ bầu ra những lãnh đạo, cán bộ có tầm, tài và tâm để giúp Hội phát triển vững mạnh, có nhiều giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; để các sản phẩm của nông dân chế biến, sản xuất được thị trường đón nhận, đời sống của các hộ nông dân ngày càng nâng cao.
Ông Lê Thanh Hiền cho rằng, thực tế hiện nay, ở vùng nông thôn việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương còn khó khăn, thiếu nguồn nhân lực. Đại biểu mong muốn Đại hội sẽ đề ra nhiều giải pháp trong tập hợp, thu hút người dân tham gia vào tổ chức; xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, khai thác được lợi thế của địa phương; tăng cường liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị theo xu thế thị trường, để hội viên nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nhiều đại biểu về dự Đại hội cho biết, những ngày này, nông dân cả nước luôn theo dõi, chờ đợi Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ có những quyết định, vấn đề quan trọng mà người nông dân quan tâm hiện nay.
Theo đó, nông dân mong muốn tăng cường trách nhiệm của tổ chức Hội trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ; động viên hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.
Nông dân kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra những định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân đầu tư cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, để giúp cho bà con tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định, không lo điệp khúc "được mùa - mất giá".
Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các vùng trồng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đại biểu Lê Thanh Hiền cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, giá phân bón, vật tư duy trì ở mức cao mà đầu ra sản phẩm thấp làm cho chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Nhiều hộ dân không mặn mà thực hiện các mô hình liên kết sản xuất.
Vì vậy, các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long mong muốn Nhà nước quan tâm đến đầu tư, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giúp doanh nghiệp và nông dân ổn định sản xuất, chia sẻ lợi nhuận; quan tâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ; hỗ trợ vốn, cung ứng phân bón, cây, con giống chất lượng cho nông dân; chính sách đầu tư, hỗ trợ mô hình ứng dụng, liên kết chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, giúp nông dân tham gia hiệu quả.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đặc thù tạo điều kiện để Hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển Hợp tác xã mà không cần có tài sản thế chấp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.