Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên Amazon, Alibaba
Việc đưa hàng Việt lên chợ điện tử toàn cầu như Amazon, Alibaba… dù không dễ dàng, nhưng là đường đi tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong một thế giới phẳng.
Thị trường rộng lớn
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) vừa có hướng dẫn khá chi tiết tới các nhà sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về tận dụng thương mại điện tử để tăng xuất khẩu vào Mỹ.
Dẫn chứng cho việc cần phải bán hàng trên các chợ điện tử, Thương vụ Việt Nam tại Houston đã cung cấp những con số “biết nói” về tốc độ gia tăng của doanh thu thương mại điện tử tại thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu này.
Theo số liệu thống kê năm 2018, khách hàng Mỹ đã tiêu 517,3 tỷ USD cho việc mua sắm online. Giá trị mua hàng trực tuyến tăng khoảng 15% mỗi năm. Chợ bán lẻ trực tuyến chiếm 14,3% tổng lượng bán lẻ và liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây.
“Các số liệu trên cho thấy, thương mại điện tử cung cấp một tiềm năng tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng doanh thu thông qua xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ qua con đường này”, đại diện Thương vụ khẳng định.
Amazon của Mỹ và Alibaba của Trung Quốc là hai ông lớn sở hữu nền tảng bán hàng qua mạng đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng thông qua nhiều cuộc tiếp xúc và hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Thực tế này mở ra cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng trên khắp thế giới cho doanh nghiệp Việt.
Gặt hái trái ngọt
Theo Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương), với cú hích từ việc hợp tác của Bộ Công thương với Amazon Global Selling từ đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp tham gia bán hàng qua chợ điện tử này ngày càng được cải thiện.
Ông Phạm Đạt, Tổng giám đốc Fado, đơn vị được Alibaba chọn làm đối tác để triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng xuất khẩu qua Alibaba.com cho biết, đã có hàng ngàn doanh nghiệp bước chân vào kinh doanh online qua việc mở tài khoản tại Alibaba. Tuy mức độ đầu tư khai thác không giống nhau, nhưng cho thấy, các doanh nghiệp đã ý thức được việc khai thác bán hàng qua các sàn thương mại điện tử toàn cầu.
Chương trình khởi động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử bằng việc tìm kiếm các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon cũng đã được Bộ Công thương và Amazon triển khai thông qua thí điểm lựa chọn 100 doanh nghiệp tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, kế hoạch phối hợp này gồm chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử.
Những doanh nghiệp thành công nhất trong số 100 doanh nghiệp đợt đầu này sẽ được lựa chọn tiếp để tham gia vào đoàn xúc tiến thương mại tới Mỹ vào tháng 10 tới.
Với Alibaba, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia sàn này cũng bán hàng thành công, gia tăng được doanh số.
Ông Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Hagimex chuyên kinh doanh ngành hành thực phẩm đóng lon và thủ công mỹ nghệ chia sẻ, sau 4 năm là thành viên Gold Supplier của Alibana, đã giúp doanh nghiệp của ông gia tăng xuất khẩu.
“Hàng tháng, chúng tôi nhận khoảng 300 đơn hàng, 90% đến từ Alibaba.com. Công ty cũng đã ký được những hợp đồng lớn, trị giá tới 200.000 USD”, ông Tiến Anh cho biết.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sản xuất Đông Dương tận dụng sức mạnh của thương mại điện tử để mở rộng mạng lưới bán hàng ở nước ngoài với ngành hàng gia vị.
Bà Nguyễn Huyền, Giám đốc Công ty cho biết, từ năm 2006 đã tiến hành mở tài khoản bán hàng trên Alibaba nhằm tìm kiếm đối tác mua hàng nước ngoài. Đến nay, doanh thu của Đông Dương Food từ xuất khẩu đã đạt 2 triệu USD, đây là một con số đáng nể với ngành hàng gia vị. Nhờ đó, Công ty đã đầu tư thêm cơ sở chế biến tại Hưng Yên để mở rộng kinh doanh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ho-tro-doanh-nghiep-dua-hang-len-amazon-alibaba-d105586.html