Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số
ĐBP - Chuyển đổi số là nền tảng để doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, góp phần nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh và tiết kiệm chi phí vận hành. Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiếp cận, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất, kết nối tiêu thụ, thích ứng nhu cầu thị trường.
Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) chăm sóc cây trồng.
Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1453/UBND-KGVS ngày 20/5/2021 về triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý thu hút các doanh nghiệp nền tảng số, cơ quan, đơn vị có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số chủ yếu về công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn và tư vấn hỗ trợ về chuyển đổi số. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo kiến thức, kỹ năng số cho doanh nghiệp. Cùng với đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng… Nhận thấy lợi ích và hiệu quả, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) là một trong những đơn vị điển hình trong việc chuyển đổi số, ứng dựng cơ giới hóa sản xuất và tiến bộ khoa học. Trong đó có mô hình trồng rau, củ quả công nghệ cao trong nhà kính ứng dụng công nghệ Israel. Hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động với công nghệ tưới nhỏ giọt. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản phẩm nông nghiệp vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc, đồng thời nâng cao thu nhập gấp 3 - 4 lần trên cùng một diện tích. Mô hình cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/vụ/3.500m2 canh tác.
Tham gia chuyển đổi số, bước đầu đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên khó khăn trong việc ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện nay là cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị về công nghệ thông tin còn lạc hậu; năng lực, trình độ của cán bộ quản lý còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo. Đặc biệt, việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức. Cùng với đó, năng lực tài chính là một vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ nguồn lực để các đơn vị thực hiện chuyển đổi số như: Đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại; tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng đưa sản phẩm, thiết bị lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất... Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng thì để chuyển đổi số thành công, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp, hợp tác xã phải thay đổi nhận thức. Khi nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì doanh nghiệp sẽ có sự quan tâm, đầu tư, thay đổi mô hình quản trị hiệu quả hơn.