Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.900 doanh nghiệp, trong đó, hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 với nhiều chính sách, như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, phát triển.

Sản phẩm cà phê Arabica của Công ty TNHH cà phê Sơn La được trưng bày tại điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Sản phẩm cà phê Arabica của Công ty TNHH cà phê Sơn La được trưng bày tại điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nhu cầu hỗ trợ chủ yếu của các doanh nghiệp là vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Trong đó, đã tổ chức 11 chương trình làm việc, đối thoại trực tiếp với 115 doanh nghiệp và 76 HTX trên địa bàn; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đối thoại với 38 doanh nghiệp trên địa bàn; gửi phiếu khảo sát 72 doanh nghiệp, HTX... để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiếp thu, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, HTX. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay hơn 15.110 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 8.809 tỷ đồng, chiếm 58,3%. Có 585 doanh nghiệp đang vay vốn còn dư nợ tại ngân hàng, trong đó có 542 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Tiến Ân, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Ân Vân, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã được cán bộ Vietinbank Chi nhánh Sơn La trực tiếp tới khảo sát tình hình kinh doanh, hướng dẫn các thủ tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ trên 1,4 tỷ đồng.

Tỉnh Sơn La cũng đã lồng ghép các chương trình dự án để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về máy móc, công nghệ. Riêng năm 2020, đã triển khai 7 đề án khuyến công với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất tôn PU cách nhiệt cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Quý Chi, xã Hát Lót (Mai Sơn); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hoa quả sấy tại Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy, xã Cò Nòi (Mai Sơn); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Thanh Nhung (Mai Sơn); ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất may công nghiệp tại Công ty cổ phần may Tâm Sáng, xã Cò Nòi (Mai Sơn); hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã, bao bì, bao bì đóng gói.

Các sản phẩm làm từ mây, tre của Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội nghị của tỉnh.

Các sản phẩm làm từ mây, tre của Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội nghị của tỉnh.

Theo ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Sơn La, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi được tỉnh hỗ trợ về thuế, công nghệ, tiếp cận tín dụng, cơ sở kỹ thuật, tư vấn pháp lý... Đặc biệt, năm 2017, Công ty được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) hỗ trợ hệ thống máy đóng gói cà phê tự động với công suất 30-60 gói/phút (4,5 đến 8 triệu túi/năm); máy cân định lượng bằng hệ thống điện tử có độ chính xác cao, các thao tác, kỹ thuật từ khâu nạp túi, tiếp liệu đến đóng túi ra sản phẩm đều được thực hiện tự động. Năm 2020, các sản phẩm cà phê của Công ty đã được hỗ trợ trưng bày tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, góp phần tiêu thụ 180-200 tấn cà phê thương phẩm/năm, doanh thu 2 tỷ đồng; bao tiêu hơn 2.000 tấn cà phê tươi/năm cho nông dân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt là đã kết nối tiêu thụ và xuất khẩu được 16 sản phẩm nông sản, như: Cà phê, nhãn, xoài, chanh leo, thanh long, chè... từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thông tin: Hiệp hội thường xuyên tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị đối thoại, chương trình “Cà phê doanh nhân”. UBND các huyện, thành phố định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại, mời các doanh nghiệp dự các phiên họp của UBND và các phòng chuyên môn để nắm được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất kiến nghị với chính quyền. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tỉnh, huyện kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 5 năm qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo việc làm cho trên 85.000 lao động. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngân sách tỉnh đạt khoảng 35% tổng thu ngân sách trên địa bàn; ít nhất 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, thì các doanh nghiệp cần phát huy nội lực, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm chất lượng, khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-39188