Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trước số ca bệnh Covid-19 tăng cao

Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, số lượng ca nhiễm Covid-19 (F0) trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhất là tại các nhà máy, doanh nghiệp (DN) sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp (CCN). Trước tình hình đó, tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương phối hợp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó, tập trung hỗ trợ công tác điều trị F0 tại nhà; vận chuyển ca bệnh, hướng dẫn các biện pháp cấp bách để tầm soát, kiểm soát dịch; tuyển dụng lao động cũng như đẩy nhanh độ bao phủ tiêm vắc xin... giúp các DN sớm ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD).

Cán bộ Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Chu Kiều

Cán bộ Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Chu Kiều

Theo báo cáo của Sở Y tế, những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng gia tăng. Trước tình hình đó, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, thiết lập vùng cách ly, vùng an toàn trong các DN; yêu cầu 100% DN trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) thực hiện sàng lọc, kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát trong nhà máy, KCN, gây đứt gãy chuỗi SXKD.

Đồng thời, phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế trưng dụng các xe để vận chuyển các trường hợp mắc Covid-19 tại các DN đến nơi điều trị.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn cho DN, Ban quản lý các KCN đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đề ra cơ chế, chính sách phù hợp giúp DN nhanh chóng ổn định sản xuất, không để thiếu hụt lao động.

Đồng thời, yêu cầu các DN rà soát người lao động chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là những công nhân nữ có thai trên 13 tuần, người có bệnh lý nền để đăng ký với

Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 các huyện, thành phố thực hiện tiêm chủng kịp thời, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép đầu tư trong KCN nhằm đưa các dự án sớm đi vào hoạt động, tạo môi trường đầu tư hiệu quả thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới.

Cùng với việc ban hành hướng dẫn công tác phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; yêu cầu DN thống kê số lượng người lao động tiêm bổ sung vắc xin Covid-19 mũi 3, ngay sau dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của các DN thuộc phạm vi quản lý.

Qua kiểm tra một số DN, sau khi nắm bắt được những khó khăn về việc quản lý, kiểm soát công nhân sau giờ tan ca, kiểm soát được nguồn lây lan dịch; thiếu hụt lao động trong khi không tuyển được lao động ngoại tỉnh và số lượng F0, F1 tăng cao trong các DN... Sở Công thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các xã, phường, thị trấn thống nhất trong việc áp dụng văn bản trong triển khai cách ly y tế đối với các trường hợp F0, F1; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể kết hợp với DN để đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại DN, góp phần bù đắp lao động bị thiếu hụt.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin thị trường lao động để người lao động biết và ứng tuyển làm việc trong DN; tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành phố lân cận để kết nối người lao động cần việc với DN cần người...

Những biện pháp kịp thời của các sở, ngành chức năng đã giúp nhiều DN, cơ sở sản xuất thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động khắc phục khó khăn để ổn định SXKD. Nhờ vậy, kết quả phát triển ngành kinh tế chủ lực của tỉnh - sản xuất công nghiệp trong tháng 2/2022 ghi nhận tín hiệu khả quan khi chỉ số sản xuất toàn ngành tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có sản lượng sản xuất tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2021 như thức ăn gia súc, gia cầm tăng hơn 27%, giày thể thao tăng gần 26%, ô tô các loại tăng hơn 13%, xe máy các loại tăng hơn 14%, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng hơn 37%...

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74261/ho-tro-doanh-nghiep-on-dinh-san-xuat-kinh-doanh-truoc-so-ca-benh-covid-19-tang-cao.html