Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

UBND thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục thu thập ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và 'hiến kế' của các chuyên gia kinh tế để sớm triển khai thực hiện các giải pháp thích hợp nhằm nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục thu thập ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và “hiến kế” của các chuyên gia kinh tế để sớm triển khai thực hiện các giải pháp thích hợp nhằm nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Khó khăn chồng chất

Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Ðiện TP Hồ Chí Minh Ðỗ Phước Tống cho biết, do thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh cho nên nhiều DN cơ khí - điện sụt giảm lượng khách hàng, thậm chí một số hợp đồng vừa ký xong thì khách hàng báo hủy hoặc dừng thực hiện. Thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ cũng bị gián đoạn; khách hàng nước ngoài ngừng giao dịch do hạn chế thông thương giữa các quốc gia; thậm chí, các chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật cũng không thể đi lại để triển khai đơn hàng, khiến nhu cầu mua - bán hàng hóa (từ tiêu dùng đến công nghiệp) bị giảm mạnh.

Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất công nghiệp cũng gặp trục trặc, ảnh hưởng đến việc sản xuất - kinh doanh (SX - KD) của DN. Do vậy, doanh thu của DN ngành cơ khí - điện đã giảm bình quân từ 15% đến 30% so cùng kỳ năm 2019; chỉ số ít DN có doanh số tăng.

Lĩnh vực logistics cũng trong tình trạng lao đao. Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam Ðặng Thị Minh Phương cho biết, doanh thu của các DN trong ngành logistics giảm trung bình từ 10% đến 30% so cùng kỳ năm ngoái do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng giảm.

Các lĩnh vực khác cũng gặp khó khăn tương tự. Phó Chủ tịch Hội Dệt - May và Thêu - Ðan TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Việt cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng vì các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng về đơn hàng. Hiện, giá khẩu trang và đồ bảo hộ (được xem là mặt hàng chủ lực của nhiều DN may hiện nay) đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Ðơn hàng giảm mạnh cùng với áp lực chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền vay ngân hàng, các chi phí đầu vào khác… đã khiến DN càng thêm điêu đứng. Ðể giảm bớt chi phí và cầm cự chờ dịch bệnh qua đi, 80% số DN trong ngành dệt - may và thêu - đan đã buộc phải cắt giảm lao động.

Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh (Huba) Chu Tiến Dũng cho biết, theo khảo sát sơ bộ của Huba đối với những DN nhỏ và vừa, có 40% số DN thiếu vốn SX - KD; 14% số DN bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu; 88% số DN bị thu hẹp thị trường; 52% DN phải cắt giảm lao động... Trên bình diện chung, có từ 40 đến 50% DN có dấu hiệu cạn kiệt năng lực SX - KD, suy yếu nghiêm trọng (nhất là về tài chính và nguồn nhân lực), thị trường bị thu hẹp về quy mô hoặc không ổn định, nguồn cung ứng bị đứt gãy, hiệu quả SX-KD thấp hoặc thua lỗ...

Sớm dỡ bỏ nhiều rào cản

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, để thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở thành phố mạnh hơn, UBND thành phố cần sớm ban hành "Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại", phát huy vai trò và bảo đảm sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC), Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phát triển nhà ở, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố...

Còn bà Ðặng Thị Minh Phương cho rằng, cần tiếp tục giảm phí hàng hải cho tất cả các tàu chở công-ten-nơ cập cảng; ưu đãi về giá điện đối với DN kho lạnh, kho mát (hiện nay giá cao hơn giá điện sản xuất từ 25% đến 30%); rà soát các loại thuế, phí, hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, bốc xếp, lưu kho.

Theo ông Chu Tiến Dũng, thành phố cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, đầu tư - mua sắm công để mở rộng tổng cầu trong nước. Ngành ngân hàng cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ tín dụng, đơn giản hóa các điều kiện và thủ tục vay vốn, mở rộng hình thức cho vay tín chấp; gia hạn thêm 12 tháng đối với việc nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Cùng với đó, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ DN xây dựng chuỗi cung ứng trong nước...

Phó GS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Thành phố cần đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, minh bạch thông tin hơn nữa. Ðồng thời, đẩy mạnh kết nối vùng; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sản xuất, quản trị DN… Các DN cần tăng cường liên kết SX - KD theo chuỗi trong các hiệp hội ngành nghề.

Còn theo TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), thành phố cần nâng cao hiệu quả công tác thực thi chính sách và pháp luật; cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa. Cần phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN; giảm 30% thuế thu nhập DN, gia hạn các loại thuế, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có thời hạn cho DN.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, sở đang phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho DN, cố gắng trình HÐND thành phố trong thời gian sớm nhất. Gói này tập trung hỗ trợ tín dụng cho DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động với lãi suất cho vay 0%...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố đang nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư, SX-KD ngày càng thuận lợi, hấp dẫn hơn; sẽ sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu thực thi các chính sách của thành phố "trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ" để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN, làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ DN. UBND thành phố sẽ giao Huba xây dựng phần mềm lắng nghe ý kiến về sự phục vụ của các sở, ngành đối với DN.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-619649/