Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mới

TP Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Bên cạnh 4 ngành công nghiệp chủ lực, thời gian qua, thành phố đã chủ động phát triển các ngành công nghiệp mới gồm điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, dược, robotic tự động hóa và các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) công nghệ cao...

Dù mới phát triển được 5 năm trở lại đây, các ngành công nghiệp mới đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư FDI, xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường trên thế giới. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh năm 2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, tỷ trọng công nghiệp đạt 18% trong GRDP.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, CNHT công nghệ cao, công nghiệp mới được xem là mũi nhọn của ngành công nghiệp, thể hiện năng lực, tầm vóc nền công nghiệp của mỗi quốc gia đặt trong sự cạnh tranh quốc tế. TP Hồ Chí Minh hiện đang đi đúng hướng và đã bước đầu có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các đơn hàng liên quan đến sản xuất công nghiệp mới trong lĩnh vực y tế, trí tuệ nhân tạo, robot ngày càng tăng. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã đến TP Hồ Chí Minh để xúc tiến hợp tác, đặt hàng...

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2023 đã đưa vào hoạt động nhà máy cơ khí chính xác, năng lực sản xuất khoảng 560 tấn sản phẩm/năm do Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh làm chủ đầu tư. Đây là nhà máy công nghiệp hỗ trợ đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ sintering để sản xuất các sản phẩm CNHT, chi tiết máy chính xác. Công nghệ này có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, giá thành thấp; thân thiện với môi trường, tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu rất cao (khoảng 95%) so với phương pháp gia công cắt gọt kim loại truyền thống (khoảng 45%).

Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 18-20%, trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 92%, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%; phát triển sản phẩm CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất. Tầm nhìn đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu phát triển công nghiệp mới công nghệ cao, đòi hỏi thành phố cần có các chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu tiên mang tính đột phá. Những ngành công nghiệp mới luôn yêu cầu các tiêu chuẩn cao, có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.

TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được hạ tầng công nghiệp mới, hình thành các khu công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp mới, công nghiệp xanh... nhưng sức cạnh tranh vẫn còn nhiều hạn chế. Cần tiếp tục tái cơ cấu, chuyển đổi công nghệ tự động, quy trình sản xuất thông minh; có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, đổi mới sáng tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách thu hút nguồn nhân lực cao trong nước và quốc tế...

BẢO MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-doanh-nghiep-trong-linh-vuc-san-xuat-cong-nghiep-moi-766805