Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm

Tình trạng lao động mất việc, bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng đang diễn biến rất phức tạp. Đã có một số nhận định về việc tình trạng thiếu đơn hàng sẽ kéo dài, thậm chí sang cả năm 2024. Trước vấn đề đang rất nóng này, Chính phủ đã vừa có văn bản giao cho 4 bộ, ngành và UBND các tỉnh tìm giải pháp, xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động. Xung quanh câu chuyện xây dựng các giải pháp, chính sách hỗ trợ người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, PV đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).

PV: Bà nhận định thế nào trước dự báo tình trạng người lao động mất việc, bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng sẽ tiếp tục kéo dài, có thể kéo dài sang cả năm 2024?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Thời gian tới, theo nhận định của Tổng LĐLĐVN có 4 vấn đề sẽ tiếp tục tác động đến việc giảm đơn hàng của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động gồm: Thứ nhất là chiến tranh thương mại gay gắt, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina kéo dài, do ảnh hưởng hậu COVID-19, lạm phát tăng cao; thứ hai là ngay nội tại nền kinh tế cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tăng lãi suất, sức ép lạm phát từ đó sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều thách thức; yếu tố thứ ba là thị trường lao động và việc làm tiếp tục khó khăn.

Dự kiến là quý III này vẫn chưa thể cải thiện được; vấn đề thứ 4 là tình trạng thiếu việc làm tiếp tục diễn ra cục bộ ở một số lĩnh vực thâm dụng lao động như là: Điện tử, dệt may, da giày, chế biến gỗ. Có những doanh nghiệp điện tử hiện nay vẫn đang thiếu đến hàng nghìn lao động ở một số vùng, nhưng đặc biệt lại có những vùng như: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh thì lại giảm lao động, sai thải lao động.

Các doanh nghiệp lớn sản xuất các nhãn hàng cho các thị trường lớn như châu Âu, châu Mĩ tiếp tục giảm lao động, thế nhưng một số doanh nghiệp sản hàng xuất khẩu cho các thị trường khác lại tăng được đơn hàng. Qua thông tin nắm được từ các công đoàn cấp trên và từ công đoàn cơ sở thì Công ty Pouyen dự kiến sẽ tiếp tục không kí hợp đồng với khoảng 6.600 người lao động cho đến hết năm 2023. Đây cũng là trường hợp sa thải lao động lớn. Như vậy từ đầu năm đến giờ chỉ riêng doanh nghiệp này đã sa thải 10.000 lao động.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

PV: Những ngày qua, đã có một số nhận định được đưa ra về việc có thể sẽ xảy ra làn sóng sa thải lao động những tháng cuối năm 2023, nhận định của bà về vấn đề này?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đưa ra sau kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp cho thấy những tháng cuối năm này tình hình doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh không có nhiều tín hiệu khả quan. Kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.

Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô. Đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê khi 4 tháng đầu năm cả nước có có 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25.1% so với cùng kỳ 2022. Bình quân mỗi tháng có trên 19.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng, khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Đây là những con số rất đáng quan ngại.

Khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến người lao động. Sẽ còn tiếp tục xảy ra tình trạng sa thải lao động, nhưng tôi cho rằng sẽ chưa đến mức thành một làn sóng trên diện rộng. Như tôi đã nói ở trên, tình trạng sa thải lao động vẫn chỉ là cục bộ. Có một vấn đề phải suy nghĩ là một số nước cũng có thế mạnh về dệt may, giày da như: Ấn Độ, Bangladesh… thì lại không bị hiện tượng giảm đơn hàng. Giá nhân công ở những nước này đang rẻ hơn Việt Nam. Theo nhận định của tôi, thực ra đây cũng là vấn đề di chuyển sản xuất ra khỏi những khu vực đời sống bắt đầu nâng lên, giá nhân công lao động cao lên.

PV: Như thế ý bà là Việt Nam chúng ta hiện nay cũng không còn phải là nước có giá nhân công rẻ để thu hút các doanh nghiệp sản xuất họ đổ về nữa?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Tôi cho rằng đó là một góc nhìn. Tôi ví dụ như Công ty Pouyen từ đầu năm đến giờ giảm 10.000 lao động toàn là những người lớn tuổi và có thu nhập cao ở khu vực TP Hồ Chí Minh, nơi có mức sống cũng cao. Nhưng biết đâu được tới đây họ sẽ lại tuyển dụng lao động ở các tỉnh có đời sống thu nhập thấp hơn như: Long An, Tiền Giang, Tây Ninh chẳng hạn. Ở các tỉnh này, lương phải trả cũng thấp hơn. Đây cũng là một trong những thủ thuật của một số tập đoàn dệt may lớn. Thậm chí các tập đoàn sản xuất lớn họ có thể chuyển sang sản xuất tại các nước có giá nhân công rẻ hơn Việt Nam. Chúng ta phải nhìn nhận ở nhiều góc độ để có các giải pháp.

Các ngành như chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.

Các ngành như chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.

PV: Câu chuyện hỗ trợ người lao động và tìm các giải pháp giải quyết khó khăn cũng đang là vấn đề rất nóng. Thậm chí, Chính phủ cũng liên tiếp có các chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành tháo gỡ. Được biết, Tổng LĐLĐVN và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng vừa tổ chức một cuộc họp bàn đến các giải pháp. Bà có thể chia sẻ được không?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Chúng tôi đã trao đổi với phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về các giải pháp. Nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải tham mưu với Thủ tướng Chính phủ. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có thể triển khai như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là một số giải pháp khác như tạm ngừng đóng quỹ hưu trí tử tuất, hỗ trợ trong công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để doanh nghiệp phục hồi sản xuất…

Về phía người lao động, nghị hỗ trợ cho người lao động thuộc nhóm đối tượng đang phải tạm hoãn lao động, đang phải ngừng việc hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng với đó là các giải pháp khác như: Tăng cường kết nối lao động việc làm, chia sẻ thông tin về thị trường lao động, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề. Có thể nói đây là một chùm giải pháp cho người lao động, người sử dụng lao động và các giải pháp hỗ trợ.

Tổng LĐLĐVN đã có kiến nghị chính thức với Chính phủ về một số giải pháp như: Chính phủ phải ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là về giá cả, lãi suất, nguồn cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu. Cùng với đó Chính phủ cần phải đầy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm các thị trường mới để giúp cho doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định.

Thủ tướng Chính phủ có thể chủ trì làm việc với các hiệp hội, các tập đoàn lớn để ghi nhận và nắm bắt được những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay để có phương án hỗ trợ. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ ngành phải có phân tích, thống kê chính xác về vấn đề này chứ hiện nay có nhiều nhận định được đưa ra vẫn chưa hoàn toàn chính xác, khiến việc triển khai các phương án hỗ trợ khó khăn. Phải có thống kê chính xác về số lượng lao động bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất.

Chính phủ cũng phải chỉ đạo UBND các tỉnh thành căn cứ vào tình hình và thực lực các địa phương để chủ động ban hành các chính sách để hỗ trợ người lao động. Việc này nên giao về cho các địa phương bởi vì nếu Chính phủ ra một chính sách hỗ trợ chung thì có những tỉnh đang gặp tình trạng suy giảm lao động cục bộ thì hợp lý nhưng có những tỉnh không gặp vấn đề này. Do đó, nên giao về các địa phương chủ động nắm bắt tình hình công nhân lao động biến động thể nào để hỗ trợ.

Cùng với đó, Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị sớm trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một số các quy định của pháp luật như Luật Bảo hiểm xã hội để tránh trường hợp rút bảo hiểm xã hội một cách ồ ạt như hiện nay. Cùng với đó, chúng tôi cũng kiến nghị các bộ, ban ngành phối hợp với Tổng LĐLĐVN triển khai nhanh, có hiệu quả các thiết chế công đoàn để giữ công nhân ở lại những khu vực sản xuất. Rồi những gói hỗ trợ như gói hỗ trợ thuê nhà cho công nhân cũng cần phải được triển khai tốt hơn

PV: Bà có thể cho biết thêm về việc Tổng LĐLĐVN sẽ triển khai những gì để hỗ trợ cho công nhân, người lao động trong thời gian tới?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Đối với Tổng LĐLĐVN, chúng tôi hiện đã triển khai gói hỗ trợ cho công nhân từ đầu tháng 5 đối với những lao động gặp khó khăn. Đối với những người là đoàn viên công đoàn thì mức hỗ trợ là 1 - 3 triệu đồng/người, đối với những người không phải là đoàn viên công đoàn mức hỗ trợ là 700.000 - 2,1 triệu đồng/người. Phía Tổng LĐLĐVN chúng tôi cũng đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ khác và sẽ chủ động triển khai hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động của mình. Còn các giải pháp chung, hiện Tổng LĐLĐVN đã thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội các nhóm giải pháp, bây giờ phải chờ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đồng ý là có thể triển khai.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phan Hoạt (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/ho-tro-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-on-dinh-san-xuat-bao-dam-viec-lam-i695752/