Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hành kinh tế tuần hoàn

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đóng góp tích cực vào hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Khuyến khích nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ là giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Hoàng Anh

Khuyến khích nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ là giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Hoàng Anh

Với mô hình kinh tế tuần hoàn, chất thải được coi là tài nguyên và có thể đưa vào tái sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế thay vì bị thải bỏ gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp thực hành cộng sinh công nghiệp, dựa trên nguyên lý “chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác”.

Chính vì vậy, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực hành kinh tế tuần hoàn ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ là giải pháp quan trọng để hình thành và phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, theo kiến nghị chính sách quý III/2024 do Trường đại học Kinh tế quốc dân xây dựng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân đề xuất nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua truyền thông, tập huấn, lồng ghép nội dung kinh tế tuần hoàn vào giáo dục.

Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn, đồng thời vượt qua rào cản “văn hóa do dự”, từ đó đưa ra quyết định chuyển đổi. Theo nhóm nghiên cứu, kết quả khảo sát một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trường đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra, đây là nhu cầu hàng đầu của doanh nghiệp mong muốn áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Song song với đó, cần có giải pháp hỗ trợ về công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng khả năng ứng dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, thông qua xây dựng cơ chế khuyến khích đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo.

Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân đề xuất cần công khai lựa chọn một số doanh nghiệp tham gia vào cơ chế khuyến khích. Việc đầu tư cho hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo cần dựa trên nhu cầu cụ thể thay vì quy mô của doanh nghiệp.

Mặt khác, khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ số để tăng cường hiệu quả hoạt động, giảm nhu cầu khai thác, sử dụng vật chất.

Một giải pháp quan trọng khác được Trường đại học Kinh tế quốc dân đề xuất là xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy kết nối, hợp tác cùng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là nhu cầu thứ hai (sau nhu cầu tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn) của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp hướng đến kinh tế tuần hoàn, bước đầu cho thấy hiệu quả cao, chẳng hạn như mô hình xử lý chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi của Green Connect, giải pháp tái sử dụng khay nhựa dùng trong nhà máy điện tử của Ecotech Vina.

Thực tế, những mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khai như vườn – ao – chuồng trong nông nghiệp hay chuỗi thu gom, tái chế phế liệu đều được hình thành từ quy mô nhỏ, tự phát. Điều này cho thấy, dù hạn chế về nguồn lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ có những lợi thế riêng để triển khai các giải pháp khép kín vòng lặp tuần hoàn.

Nói với TheLEADER, một chuyên gia kinh tế tuần hoàn cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có những “hệ sinh thái dùng chung” để triển khai hiệu quả kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như nền tảng chia sẻ thông tin, giải pháp, mô hình điển hình mang tính công lập.

Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu hóa nguồn lực, tránh lãng phí, thất thoát do đầu tư nhầm chỗ khi triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-thuc-hanh-kinh-te-tuan-hoan-d37812.html