Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số
Chương trình tư vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã tháo gỡ khó khăn về quy trình chuyển đổi số cho 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới có thể khó khăn hơn năm 2022. Khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất trong khi đó số đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm.
Trước những khó khăn này, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí và mở rộng thị trường. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành, Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối triển khai, là một phần trong định hướng này.
Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện chương trình xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Đến nay, chương trình đã có hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn và khoảng 1500 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.
Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng các doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này. Trước đó một năm, báo cáo này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang ở bước tìm hiểu và tham khảo thông tin.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa mang lại thành công như mong đợi do thiếu mục tiêu, chiến lược thực hiện rõ ràng ngay từ đầu. Kinh phí cũng là một lo ngại của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi. Vì vậy, một trong các hoạt động chính của chương trình là Gói xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi lo lắng về việc triển khai không đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số cho các phòng ban, dẫn đến tốn thời gian và nguồn lực”, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam, một công ty tham gia chương trình, cho biết.
Từ hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia thuộc các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, điện tử, nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản phẩm nội thất, chương trình đã sàng lọc ra 50 doanh nghiệp có độ sẵn sàng cao.
Sau đó, chuyên gia chương trình đến từng doanh nghiệp để khảo sát, đánh giá và tư vấn chuyên sâu về định hướng chuyển đổi số. Các chuyên gia đã làm việc cùng doanh nghiệp trong 3 tháng để xây dựng lộ trình đầu tư chuyển đổi số trong vài năm tới.
“Lộ trình của chuyên gia đưa ra rất chi tiết để chúng tôi có thể chuẩn hóa quy trình và thực hiện”, theo đại diện công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam.
“Lần tư vấn này giúp chúng tôi giải quyết vấn đề về chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản trị công ty và tạo ra hướng đi mới về việc giải quyết các vấn đề tổ chức, sản xuất và bán hàng”, đại diện công ty TNHH Sản Xuất - Dịch Vụ Thương Mại Tiến Thịnh cho biết.