Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký thương hiệu
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tiến hành hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn trên địa bàn xây dựng và đăng ký thương hiệu, xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, đảm bảo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ năm 2013 đến năm 2018, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp được Sở Công Thương giao kinh phí hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh. Theo đó, mỗi đơn vị được hỗ trợ 35 triệu đồng, gồm: Tư vấn, thiết kế nhãn, đặt tên thương mại gắn với sản phẩm hàng hóa; tư vấn thiết kế logo cho sản phẩm hàng hóa; đăng ký bảo hộ tên, nhãn, logo sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; cấp văn bằng bảo hộ, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; xây dựng quy trình, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; thiết kế, sản xuất mẫu bộ nhận diện in trên bao bì, sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đã đăng ký bảo hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ sự hỗ trợ này, đã có hơn 50 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; hạn chế việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, từng bước mang lại lợi ích, lòng tin đối với người tiêu dùng.
Một trong những đơn vị được hỗ trợ là Công ty TNHH Kiên Sơn (tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu), đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường với sản phẩm “Miến dong Kiên Sơn”. Theo ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty, bên cạnh nỗ lực của đơn vị, còn nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ chương trình khuyến công. Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã cử cán bộ hướng dẫn hỗ trợ đơn vị đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng lôgô, hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu; hỗ trợ hoạt động truyền thông marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua phương tiện truyền thông và hội chợ, triển lãm... Nhờ đó, sản phẩm “Miến dong Kiên Sơn” đã có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang... Được biết, Công ty hiện đạt tổng doanh thu mỗi năm từ 4 - 5 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương.
Sản phẩm “Mắc ca Tây Bắc” của Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy (tiểu khu 39, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) cũng vậy. Được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ và tham gia các hội chợ thương mại... đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; sản phẩm “Mắc ca Tây Bắc” đã tìm được chỗ đứng tại các chuỗi siêu thị sạch của Hà Nội, Quảng Ninh và nhiều điểm du lịch khác trong nước. Không chỉ thế, đơn vị còn tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức công là 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết trong năm 2019 này, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đang thực hiện hỗ trợ kinh phí, thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm cho Công ty CP Dâu tằm tơ Mộc Châu (chuyên sản xuất vải lụa tơ tằm); HTX Hoa quả Thành Đạt (chuyên sản xuất hoa quả sấy); Công ty TNHH Cao Nguyên Vân Hồ (chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ tre); Công ty TNHH Thuận Anh Sơn La (chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt gia súc); hộ kinh doanh Hoàng Thị Gái (chuyên sản xuất thạch rau câu)...
Thương hiệu là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững và thể hiện năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Mặc dù số cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu chưa nhiều, nhưng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã có những tác động tích cực về ý thức xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có uy tín và giá trị thương mại cao; mở rộng thị trường sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.