Hỗ trợ game Việt vượt khó khăn, tiếp động lực phát triển

Với lợi thế về tính sáng tạo, nguồn nhân lực nhưng ngành game Việt vẫn còn gặp không ít khó khăn như định kiến xã hội, game lậu, thiếu chính sách hỗ trợ, game chất lượng cao...

Tại Ngày hội Game Việt Nam 2023 diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, nhiều chuyên gia đã đánh giá ngành game Việt Nam nhiều tiềm năng và để lại không ít dấu ấn toàn cầu. Ngoài ra, các nước lớn có ngành game phát triển như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến thị trường game Việt Nam.

GAME NỘI KHÔNG NGẠI CẠNH TRANH

Thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những động thái bảo vệ doanh nghiệp, tìm lại sự công bằng cho doanh nghiệp game Việt. Điều này khiến các doanh nghiệp cảm thấy như được tiếp thêm động lực để phát triển, tập trung vào những sản phẩm chất lượng trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ của Ngày hội Game Việt Nam đã diễn ra diễn đàn “Nhận diện khó khăn, đón đầu thách thức”. Trước sự “xâm nhập” của các công ty game nước ngoài, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp game Việt khẳng định các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh bởi Việt Nam đủ nhân lực, tiềm lực, nhân sự. Các doanh nghiệp tập hợp lại sẽ cùng phát triển và làm được những game lớn như ở nước ngoài. “Môi trường Internet không có biên giới và ở một thế giới phẳng, chúng ta đừng lo game nước ngoài vào Việt Nam sẽ ra sao hay game Việt Nam ra nước ngoài sẽ ra sao. Cái khó với chúng ta là sự bất bình đẳng, khi phải đối mặt với game lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và thuế”, đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ.

CEO Topebox Thái Thanh Liêm cảm thấy khá trăn trở khi nhìn thấy những gì đang diễn ra tại thị trường game Việt Nam: người Việt chơi game nước ngoài nhiều hơn chơi game được sản xuất trong nước. Nguyên nhân một phần là trình độ làm game trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi của người Việt.

Ông Liêm dẫn chứng tại những nước có ngành game rất phát triển như Trung Quốc và Hàn Quốc, người chơi tầm cao thường chơi game do chính doanh nghiệp trong nước của họ tự sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), nhìn nhận: “Nếu coi game là một ngành thì sẽ có nghề và có nghề sẽ có sản phẩm. Chúng ta cần cơ hội để xuất hiện, lộ diện, giúp cơ quan quản lý thấy ngành game có thể làm được những gì để từ đó có chiến lược phát triển cho phù hợp. Chẳng hạn, công nghệ game có thể làm phim bom tấn, hay các công nghệ truyền hình mới trong tổ chức giải đấu eSports. Từ đó ngành quảng cáo, tài trợ cũng thay đổi”.

CẦN CÚ HUÝCH TỪ CHÍNH SÁCH

Sự phát triển của ngành game nói riêng và Internet nói chung rất nhanh, rất mạnh nhưng chính sách thì chưa theo kịp. Cụ thể, game trên các nền tảng công nghệ mới như: Blockchain, NFT…, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chính sách và nhiều doanh nghiệp game, nhất là các startup nhỏ lựa chọn thành lập ở nước ngoài như ở Singapore để hưởng các chính sách thí điểm hỗ trợ (sand box). Các chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng chảy máu chất xám.

Tổng giám đốc VTC cho rằng cần xem game là một ngành kinh tế số và cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn. Lấy dẫn chứng ở lĩnh vực thể thao điện tử (eSport), ông Bảo cho biết năm 2022 doanh thu eSport toàn cầu đạt gần 1,4 tỷ USD, có 532 triệu người theo dõi và thực tế doanh thu từ game chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là thúc đẩy doanh thu cho các ngành khác, như: bán vé sự kiện, tiếp thị số (digital marketing), bán bản quyền phát sóng trên các nền tảng, kêu gọi tài trợ,…

Đại diện VTC thẳng thắn đặt vấn đề: chính sách thật sự chưa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm game để cống hiến tại Việt Nam khiến họ phải ra nước ngoài làm, gây ra thất thoát đáng kể. Doanh thu 650 triệu USD tại Việt Nam là con số rất nhỏ, so với thị trường toàn cầu chỉ là 0,5%. “Một thị trường làm game chỉ đang ở mức nuôi dưỡng thì nên miễn thuế để các doanh nghiệp quay trở về Việt Nam cống hiến. Ở đâu cơ chế tốt, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn. Một thị trường đầy tiềm năng nhưng chứa nhiều rủi ro mà còn thêm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa thì thực sự rất khó khăn cho chúng tôi”, ông Bảo nói.

Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines đều có chính sách cụ thể để ủng hộ ngành game, các hiệp hội không chỉ kết nối các doanh nghiệp mà còn tư vấn cho cơ quan quản lý, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho ngành game hoạt động. Do đó, ngành game cần một cú hích từ chính sách của Chính phủ để tạo động lực phát triển như các nước khác trong khu vực.

Tại Singapore, Hiệp hội Game nước này được hậu thuẫn bởi 3 cơ quan chính phủ là Tổng cục Du lịch, Cơ quan Phát triển truyền thông và Cục Doanh nghiệp Singapore. Đáng chú ý, nước này đăng cai rất nhiều sự kiện game và eSport, trong năm 2022, Tổng cục Du lịch đã miễn phí toàn bộ địa điểm cho các sự kiện này. Hay ở Indonesia, thuế VAT là 10%, nhưng một phần thuế này sẽ được tái đầu tư cho ngành game và nội dung số, các studio độc lập và các doanh nghiệp game nhỏ sẽ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này.

Ngành game rõ ràng đang có những thách thức mà những người làm game đang phải đối mặt. Chưa tính đến sự cạnh tranh từ các game nước ngoài, chính các doanh nghiệp làm về game vẫn đang dò xét và xem nhau như đối thủ cạnh tranh. Đây là chuyện thường thấy trong kinh doanh nhưng chưa ai nghĩ được rằng “Nếu bắt tay nhau, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn?”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hồng Vinh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ho-tro-game-viet-vuot-kho-khan-tiep-dong-luc-phat-trien.htm