Hỗ trợ giống trâu sinh sản, tạo sinh kế thoát nghèo cho nông dân miền núi
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Võ Nhai đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Giúp bà con chủ động vươn lên thoát nghèo từ chính sức lao động
Chúng tôi đã đến xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên trực tiếp quan sát các mô hình hỗ trợ sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đối với bà con đồng bào DTTS nơi đây.
Có thể thấy, một số mô hình đã có những tín hiệu tốt, bước đầu tạo sự hứng khởi cho các hộ trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tư (SN: 1974) xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá là một trong số những hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sinh kế này.
Có hoàn cảnh rất khó khăn và thiếu thốn, tháng 12/2023, từ nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo, gia đình ông Tư được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, trâu phát triển khỏe mạnh. Với kết quả này đang tạo động lực cho gia đình các hộ nghèo, hộ cận nghèo tự tin, tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư để thực hiện các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập.
“Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi được hỗ trợ con trâu trâu sinh sản mà còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, cuộc sống của gia đình cũng từng bước được cải thiện. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì gia đình tôi không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau”, ông Tư bộc bạch.
Không dấu được niềm vui khi được nhận con giống, bà Nông Thị Linh, vợ của ông Tư chia sẻ: Gia đình tôi mừng lắm, được nhà nước hỗ trợ, chẳng mấy chốc có thể trả được bớt nợ nần lo cho gia đình con cái.
Cũng như gia đình ông Tư bà Linh, 20 gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của xã Tràng Xá, được Nhà nước hỗ trợ mua trâu sinh sản.
Thuộc diện hộ nghèo của xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai nhiều năm liền, bà Nguyễn Thị Thúy, người dân tộc Nùng cứ loay hoay với bài toán vươn lên thoát nghèo. Không có vốn để đầu tư sản xuất, thu nhập chính của gia đình bà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền đi làm thuê ít ỏi.
Cuối năm 2023, sau khi rà soát, bình bầu từ cơ sở, gia đình bà Thúy được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tận dụng lợi thế vườn rộng, gia đình bà trồng thêm mía, cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay, con giống phát triển khỏe mạnh Dự kiến thêm một thời gian nữa con trâu sinh sản sẽ đẻ con. Nhờ đó, gia đình bà Thúy sẽ có một khoản tiền, qua đó giúp gia đình bà trang trải nợ và có thêm vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2024.
Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình bà không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh nghèo khó…, bà Thúy chia sẻ.
Hỗ trợ trâu giống, đã tạo “điểm tựa” cho các hộ nghèo, cận nghèo
Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, cho biết: Với phương châm “Trao cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ trâu giống, đã tạo “điểm tựa” giúp các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vượt khó để vươn lên. Hiện nay, xã Tràng Xá chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.
Qua tìm hiểu thực tiễn được biết, sau khi mua trâu về nuôi, các hộ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và dành quỹ đất để trồng cỏ, làm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện nay, trâu của các hộ đang phát triển tốt. Mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Tràng Xá được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giúp các hộ dân thoát nghèo.
Toàn xã còn 200 hộ nghèo, với trên 60% người dân là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Trong năm 2024, để thực hiện hiệu quả chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, địa phương sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của huyện ủy, HĐND, UBND huyện, thực hiện các kế hoạch xây dựng phương án giảm nghèo năm 2024.
Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã đã họp cùng với ban phát triển các xóm và thống nhất thực hiện dự án Trâu sinh sản, UBND xã đang xây dựng kế hoạch, hồ sơ trình các cấp theo quy định.
Như vậy, có thể thấy việc thực hiện chính sách hỗ trợ trâu đã góp phần tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có việc làm, tận dụng được điều kiện sẵn có của gia đình để phát triển chăn nuôi, tiến tới thoát nghèo bền vững và cải thiện đời sống.