Hỗ trợ học sinh lớp 12 'vượt vũ môn'
2 tuần nữa, hơn 75.000 học sinh khối 12 trên địa bàn TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hiện, các trường THPT đang bước vào giai đoạn ôn tập nước rút. Cùng với việc củng cố kiến thức, giáo viên cũng lưu ý học sinh phân bổ thời gian hợp lý trước kỳ thi quan trọng.
Tổ chức ôn tập đến hết tháng 7
Ngày 23-7, trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết, học sinh khối 12 sẽ ôn tập đến hết tháng 7. Ngoài việc hệ thống kiến thức theo chủ đề từng môn, học sinh còn được kết hợp luyện giải đề thi qua các năm. Dự kiến đầu tháng 8, trường sẽ tổ chức một buổi ra quân cho học sinh khối 12 với nhiều hoạt động như nhắc nhở quy chế thi, cập nhật thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, động viên tinh thần học sinh nhằm giúp các em có tâm lý tốt nhất trước khi bước vào 3 ngày thi quan trọng.
Tương tự, tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), thầy Ngô Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12 sẽ kết thúc ngày 1-8. Trong tuần lễ cuối cùng tập trung ôn tập, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ phát cho mỗi học sinh một bìa sơ mi với đầy đủ dụng cụ học tập gồm viết bi, viết chì, thước kẻ, gôm cùng tấm thiệp ghi lời chúc may mắn. “Quà tặng tuy không có giá trị lớn về vật chất nhưng mang ý nghĩa về mặt tinh thần, là tấm lòng và niềm hy vọng các thầy cô gửi gắm, mong muốn học sinh có kết quả thi tốt nhất”, ông Ngô Hùng Cường chia sẻ.
Đối với học sinh khối 12 Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), cô Lại Thị Thắm, Quản lý chuyên môn nhà trường, cho biết, trong thời gian ôn tập, nhà trường đã tổ chức 2 lần thi thử với thời gian làm bài, ma trận đề thi tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm giúp học sinh làm quen, tránh bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi thật. Các hoạt động ôn tập sẽ kết thúc vào cuối tháng 7. Từ đầu tháng 8 trở đi, học sinh dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhằm tạo tâm lý thoải mái, bình tĩnh, tự tin trước kỳ thi vượt vũ môn quan trọng. Riêng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú chia sẻ, ôn tập đang bước vào giai đoạn cuối. Nhà trường đã tổ chức kế hoạch ôn tập phù hợp với từng trình độ học sinh, kết hợp hệ thống kiến thức với luyện giải đề thi. Ngoài ra, lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM cũng cho biết, năm nay do số lượng học sinh tham gia xét tuyển vào các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức) khá cao nên các trường dành nhiều thời gian ôn tập kiến thức, kỹ năng của bài thi đánh giá năng lực.
Đề dễ vẫn không nên chủ quan
Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập cho học sinh trước kỳ thi, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, vào giai đoạn nước rút, học sinh không nên nhồi nhét kiến thức mà cần rà soát lại xem phần nào mình còn hổng kiến thức thì bổ sung. Năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian học kỳ 2 bị rút ngắn, tuy nhiên học sinh không nên coi nhẹ kiến thức ở học kỳ 2 mà nên ôn tập kỹ, bao quát kiến thức ở cả 2 học kỳ.
Cũng theo thầy Đỗ Đức Anh, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn gồm 3 phần là đọc hiểu văn bản, nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Trong đó, học sinh có xu hướng làm nhanh hai phần đọc hiểu văn bản và nghị luận xã hội để dành nhiều thời gian làm nghị luận văn học. “Cách phân bổ thời gian như vậy không hợp lý, vì hai phần đọc hiểu văn bản và nghị luận xã hội chiếm 50% điểm toàn bài, học sinh dễ bị mất điểm do trả lời không đủ ý các câu hỏi phần đọc hiểu văn bản”, giáo viên này lưu ý. Ở phần nghị luận xã hội, thầy Đỗ Đức Anh nhắc các bạn thí sinh duy trì độ dài lý tưởng từ 20-25 dòng, đề thi hỏi gì đáp nấy, không viết lan man. Riêng với phần nghị luận văn học, học sinh không nên chỉ thuộc lòng câu, chữ trong tác phẩm mà cần nắm ý, hiểu nội dung toàn bài. Thầy cho biết, câu hỏi nghị luận văn học trong đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố chỉ yêu cầu cảm nhận và phân tích tác phẩm, tuy nhiên học sinh không nên chủ quan, bỏ qua các yêu cầu về bình luận, nhận xét tác phẩm (nếu có) xuất hiện trong đề thi. Thí sinh nên tham khảo đề thi và đáp án chấm của kỳ thi tốt nghiệp các năm trước để có định hướng làm bài phù hợp.
Đối với môn Toán, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ toán, Trường THPT Nguyễn Du dự đoán, năm nay đề thi tốt nghiệp THPT sẽ tập trung câu hỏi khó trong chương trình học kỳ 1, cụ thể như hàm số, hàm số mũ… Học kỳ 2 do ảnh hưởng của Covid-19 nên kiến thức chủ yếu ở mức độ cơ bản. Riêng phần giải toán thực tế, nhiều năm trở lại đây, đề thi không nhằm mục tiêu đánh đố thí sinh mà sẽ cung cấp sẵn dữ liệu, công thức. Nhiệm vụ của thí sinh là vận dụng công thức, tìm hướng giải quyết phù hợp. Mặc dù năm nay, đề thi môn Toán được dự đoán độ khó giảm hơn các năm trước nhưng khoảng 5 câu hỏi cuối (từ câu 46-50) trong đề thi trắc nghiệm sẽ có sự phân hóa về độ khó nhằm phân loại thí sinh.
Nhìn chung, các giáo viên đều nhắn gửi thí sinh không nên chủ quan. Đề thi dễ đồng nghĩa phổ điểm sẽ tăng cao. Trong khi đó, xét tuyển đại học là lấy thí sinh từ điểm cao xuống thấp, cạnh tranh vẫn không hề giảm. Ngoài việc chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, các bạn sĩ tử khối 12 cần đảm bảo sức khỏe về thể chất và tinh thần, nên tạm gác lại mạng xã hội để không bị chi phối bởi các thông tin ngoài luồng như dự đoán đề, học tủ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ho-tro-hoc-sinh-lop-12-vuot-vu-mon-674780.html