Hỗ trợ học sinh, sinh viên hiện thực hóa ý tưởng

Nguyễn Nam (áo trắng), sinh viên năm 1 cao đẳng liên thông Quản trị mạng máy tính, hoàn thiện sản phẩm dưới sự hướng dẫn của thầy Văn Sỹ Nghi. Ảnh: THÁI HÀ

Tham gia Cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp học sinh, sinh viên (HSSV) giáo dục nghề nghiệp năm 2021 - Startup Kite 2021, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên có 7/7 dự án vào vòng bán kết. Ban giám khảo đánh giá các dự án dự thi đều xuất phát từ ý tưởng hay, có khả năng ứng dụng nhanh vào thực tiễn nếu được hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi để biến ý tưởng thành mô hình kinh doanh hiệu quả.

Ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo

Ông Phạm Tâm Đê, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH, giám khảo cuộc thi cho rằng việc tham gia Startup Kite 2021 không chỉ tạo cơ hội cho các em HSSV có một sân chơi sáng tạo khởi nghiệp, mà qua đó còn làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp; thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của KH-CN.

Tham gia Startup Kite 2021, nhóm tác giả Nguyễn Hồng Cẩm, Nguyễn Thành Đạt, Võ Thành Đô, Nguyễn Tiến Duy, Nguyễn Trung Hiếu mang đến dự án Máy gội đầu, xông hơi vùng đầu. Đại diện nhóm tác giả, em Nguyễn Hồng Cẩm, học sinh lớp trung cấp Chế tạo thiết bị cơ khí cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người già, người bệnh không thể ra ngoài thư giãn và điều trị một số bệnh bằng phương pháp Đông y nên nhóm nảy ra ý tưởng thiết kế một thiết bị giúp tự động gội đầu, xông hơi phục vụ cho người già, người tàn tật. Để thực hiện ý tưởng trên, nhóm tác giả đã tham khảo bác sĩ Đông y về các điểm huyệt, công dụng của từng huyệt đạo trên vùng đầu sau đó mô phỏng hoạt động gội đầu kết hợp massage và xông hơi vùng đầu bằng máy. Dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Nguyễn Tấn Tùng, giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo cùng với sử dụng các nguồn lực sẵn có của trường, sự đồng hành của doanh nghiệp, Bệnh viện Y học cổ truyền…, khả năng thực thi của dự án này sẽ rất cao.

Có kinh nghiệm thiết kế, lập trình phần cứng; thử nghiệm và thi công mạch điện tử, Nguyễn Nam, sinh viên năm 1 Lớp cao đẳng liên thông Quản trị mạng máy tính tham gia Startup Kite 2021 với ý tưởng chế tạo Thiết bị kiểm tra chẩn đoán mạng. Nguyễn Nam chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trung cấp, em có hơn 3 năm theo công trình thi công mạng công ty, lắp đặt các công trình camera. Khi làm việc, nhận thấy các thiết bị kiểm tra mạng truyền thống vẫn tồn tại một số khuyết điểm nên em muốn làm một thiết bị giúp cải thiện về mặt tốc độ, tích hợp thêm các chức năng kiểm tra chẩn đoán mạng mà các thiết bị kiểm tra truyền thống không có hoặc phải dùng các thiết bị to, cồng kềnh hơn để kiểm tra. Em đã đề xuất ý tưởng và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy hướng dẫn”.

Theo giảng viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên Văn Sỹ Nghi, người hướng dẫn dự án, từ ý tưởng ban đầu, thầy trò mất hơn một năm mới thử nghiệm thành công. Ưu điểm của thiết bị là giúp rút ngắn thời gian kiểm tra chẩn đoán lỗi trong hệ thống mạng; tích hợp thêm các chức năng cần thiết trong việc kiểm tra chẩn đoán lỗi trong hệ thống mạng; màn hình có thể hiển thị nhiều thông tin. Vậy nhưng, sản phẩm sau khi hoàn thiện có giá chỉ khoảng 500.000 đồng!

Tạo môi trường thuận lợi

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, giám khảo cuộc thi nhận định, cuộc thi thể hiện được tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều ý tưởng hứa hẹn sẽ phục vụ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, cũng theo ông Quân, khó khăn nhất hiện nay là triển khai sản phẩm mẫu, sau đó là sản xuất hàng hóa, nên rất cần đến môi trường hỗ trợ khởi nghiệp đủ mạnh, trước mắt tạo cho HSSV tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, tích lũy kiến thức kinh nghiệm, hình thành tư duy đổi mới sáng tạo, trên cơ sở đó sẽ tạo ra được những dự án khởi nghiệp khả thi.

Hiện nay, số lượng người học tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên khoảng 1.200 HSSV. Nhà trường đào tạo đa dạng lĩnh vực, nghề, gồm: 14 nghề hệ cao đẳng, 18 nghề hệ trung cấp. Thời gian qua, vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo đặc biệt quan tâm nên một số ý tưởng về sản phẩm mới cũng đã được hình thành. Tuy nhiên hiện tại, việc sản phẩm tiếp cận được người sử dụng còn gặp nhiều khó khăn.

TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết thời gian tới, nhà trường tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp; xây dựng chương trình phối hợp với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp; xây dựng dự án khởi nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp… nhằm tạo môi trường, động lực, khuyến khích HSSV tham gia.

Trong thời kỳ 4.0, người trẻ có rất nhiều cơ hội để phát triển, kết nối nguồn thông tin khổng lồ với tài nguyên bản địa lớn để khởi nghiệp và hình thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý tưởng mới chỉ là những bước đầu tiên, khơi mào cho ước mơ và tinh thần khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Tôi mong muốn HSSV sẽ giữ được tinh thần, động lực khởi nghiệp để biến ý tưởng thành mô hình kinh doanh hiệu quả.

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo

khởi nghiệp Sông Hàn

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/264234/ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-hien-thuc-hoa-y-tuong.html