Hỗ trợ hồi phục sau bão lũ, chính sách phải thật khẩn trương
Mưa bão, ngập lụt đã khiến nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp mất trắng. Chính phủ, các ngành và các địa phương cần có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau thiên tai?
Anh Vũ Hồng Tuấn, một hộ nuôi cá ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, tỉnh Yên Bái năm ngoái gom góp được 17 triệu đồng để mua 500 con cá giống nuôi ở ao, cùng với hàng chục hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 với lượng mưa lớn và nước sông dâng cao, khiến toàn bộ các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đều không kịp trở tay.
Đứng nhìn khu vực áo cá bị vùi lấp với hàng mét bùn, anh Tuấn và nhiều hộ dân không khỏi chua xót: "Chúng tôi thả đầu năm 2023, cuối năm 2027 mới thu hoạch. Theo dự tính 500 con cá giống, tương đương 5 tấn cá trắm và cá tạp, trị giá 100 triệu đồng. Cơn bão tràn vào khiến chúng tôi mất hết. Lượng cá trên địa bàn thôn rất là nhiều, có trên dưới 40 hộ nuôi cá, diện tích nuôi nhiều nhất là nhà anh Nguyễn Văn Hùng nuôi gần 3 héc-ta, lượng cá giống đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng, thiệt hại rất lớn".
Bà Đỗ Thị Ngân Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu cho biết, thiệt hại do bão trên địa bàn xã rất lớn, toàn bộ diện tích trồng lúa hè thu khoảng trên 35 ha và trên 15 ha ngô, rau màu trên địa bàn xã bị xóa xổ, khiến khoảng 200 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Ngoài ra hơn 20 ha ao nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ và toàn bộ cá bị thoát ra ngoài, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Ngay sau khi mưa bão chấm dứt, chính quyền xã Âu Lâu đã tổ chức thống kê thiệt hại, hướng dẫn hộ dân kê khai cũng như làm các thủ tục thực hiện theo quy định của Nhà nước, Nghị định 02 của Chính phủ.
Chính quyền xã Âu Lâu hiện đang động viên bà con nông dân ở những khu vực diện tích ngập nhẹ sẽ cố gắng tái sản xuất vào vụ Đông Xuân năm 2024-2025. Bà Đỗ Thị Ngân Hà cho biết, đối với khu vực thiệt hại nặng bị vùi lấp rất sâu, chính quyền xã sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố thành phố Yên Bái cải tạo lại ruộng đất và hệ thống kênh mương:
"Chúng tôi đề xuất thời gian tới cải tạo hệ thống kênh mương, sửa chữa và xây mới hệ thống kênh mương, trạm bơm, gia cố lại hệ thống đê điều. Rất mong thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi như giảm lãi suất đối với các khoản vay của ngân hàng chính sách. Và hỗ trợ về cây giống, vật nuôi".
Tùy vào mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp, từng địa phương, Chính phủ, Bộ ban ngành xây dựng mức độ và thời gian hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng
Ngoài tỉnh Yên Bái, có hàng nghìn các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã ở một số tỉnh phía Bắc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình bị mất trắng toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, thuyền bè và các công cụ sản xuất.
Tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, hơn 18 nghìn héc-ta lúa, trên 2.700 héc-ta hoa màu, rau màu và gần 500 héc-ta diện tích cây trồng lâu năm bị ngập úng, hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…với tổng thiệt hại trên 5 nghìn tỷ đồng. Sau bão, việc tiêu thụ lâm sản cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Còn tỉnh Quảng Ninh, số lượng phương tiện thủy bị đắm chìm do bão là 269 phương tiện, trong đó, có 27 tàu du lịch, 116 tàu cá, 126 tàu chở hàng, chở người các loại. Hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề.
Thống kê của 4 ngân hàng thương mại nhà nước có gần 14 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 191.457 tỷ đồng. Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành những chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hợp tác xã sau bão cũng như tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có mức thiệt hại từ 30-70%:
"Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho các doanh nghiệp chịu tác động, chưa đòi nợ hoặc chưa chuyển nhóm nợ xấu. Bộ tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thống kê thiệt hại có xác nhận của chính quyền địa phương, trên cơ sở đó, các đơn vị của Bộ tài chính sẽ có trách nhiệm xác minh để giãn, hoãn nộp thuế".
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng để Nghị quyết 143 của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, thì cần có các quy định, hướng dẫn chỉ rõ các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát và chứng nhận mức độ thiệt hại.
Trên cơ sở đó, tùy vào mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp, từng địa phương, Chính phủ, Bộ ban ngành xây dựng mức độ và thời gian hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh, quá trình triển khai phải giảm bớt các thủ tục hành chính:
"Tinh giảm tối đa các thủ tục hành chính, tránh tối đa tình trạng người dân xếp hàng rất dài, phải có chứng nhận từ tổ dân phố, phương, quận, rất nhiều chữ ký và con dấu, thì lúc đó tính hiệu lực và kịp thời của Nghị quyết sẽ giảm đi rất nhiều".
Ông Doanh cũng cho rằng, cơ quan chức năng xem xét việc công khai các quy định, điều kiện hỗ trợ trên các trang web và để người dân có thể trực tiếp đăng ký nhận hỗ trợ thông qua điện thoại.
Để có thể nhanh chóng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sớm tái sản xuất, từng bước phục hồi sau bão, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các Bộ, ngành liên quan có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, để các chính sách này sớm được đưa vào thực tế thì cần có những văn bản dưới Luật hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của chính phủ.