Hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả
Các cấp hội nông dân huyện Quảng Xương đã triển khai hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Đoàn Đình Phượng, ở thôn Tiên Vệ với cách sắp xếp vườn cây, ao, chuồng bài bản, khoa học. Ông Phượng cho biết: "Trước tôi chỉ làm ruộng, chăn nuôi vài con gà, vịt phục vụ cuộc sống gia đình nên thu nhập bấp bênh. Sau khi được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, đặc biệt là thông qua tổ chức hội, gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất".
Đến nay, trang trại của gia đình ông có 8 ao nuôi cá giống, cá thương phẩm, với diện tích 2.000 - 2.500m2 mỗi ao. Những khu đất trống được ông đầu tư nuôi vịt với số lượng khoảng 12.000 con/năm; đàn trâu, bò luôn duy trì từ 5 - 7 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình trang trại tổng hợp của ông Phượng cho lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng/năm.
6 tháng đầu năm 2024, huyện có 6.450 hội viên đăng ký phấn đấu đạt hộ sản xuất, kinh doanh các cấp; 26/26 cơ sở hội đăng ký thi đua đạt tiêu chuẩn đơn vị tổ chức phong trào giỏi. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết vận dụng cơ chế mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, gia đình, đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh để làm giàu chính đáng. Điển hình như các hộ gia đình: Ông Phạm Bá Thảo, xã Quảng Chính với mô hình dịch vụ tôm giống, tôm thương phẩm; ông Trần Văn Nuôi với mô hình sản xuất và kinh doanh nước mắm Sông Yên xã Quảng Nham; hộ ông Bùi Văn Hải với mô hình nuôi ốc nhồi giống và thương phẩm ở thị trấn Tân Phong; hộ ông Trần Văn Tập với mô hình nuôi rươi xã Quảng Phúc... Từ thực hiện phong trào đã tạo sức lan tỏa, nâng cao chất lượng và thu nhập cho gia đình của hội viên nông dân. Đồng thời, đã vận động nông dân tương trợ, giúp đỡ nhau tại cộng đồng về vật tư, cây, con giống, vốn, khoa học - kỹ thuật...
Để giúp các hộ hội viên có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Quảng Xương đã khai thác và quản lý tốt nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 4.960 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ 240 tỷ đồng; giúp 6.097 hội viên vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với dư nợ 830 tỷ đồng... Từ nguồn vốn vay, người dân đã xây dựng được các mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Kinh tế trang trại, gia trại có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của huyện, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên.
Hội Nông dân huyện Quảng Xương đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề cho hội viên; xây dựng, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt là đẩy mạnh tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản. Từ đó, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho hội viên, góp phần phát triển kinh tế, XDNTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.