Hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở: Thêm động lực cống hiến

Một trong những nội dung được đông đảo cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV tới đây, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự thảo Nghị quyết về số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự và mức hỗ trợ, bồi dưỡng...

Lực lượng Công an xã bán chuyên trách thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với Công an chính quy xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên).

Lực lượng Công an xã bán chuyên trách thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với Công an chính quy xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên).

Ngày 28/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, tạo cơ sở pháp lý quan trọng về việc xây dựng, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nhanh chóng đưa Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở vào cuộc sống, UBND tỉnh đã có các tờ trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở; mức hỗ trợ, bồi dưỡng, các khoản chi khác cho người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước khi nội dung này được thông qua tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh, thực tế tại cơ sở, chúng tôi nhận được ý kiến đồng thuận, ủng hộ của đông đảo cử tri, trong đó có các thành viên 3 lực lượng nêu trên.

Thời gian qua, trên địa bàn xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) xảy ra một số vụ việc nhưng nhờ lực lượng Công an xã bán chuyên trách, dân phòng phối hợp chặt chẽ với Công an chính quy đã xử lý kịp thời các vụ việc. Theo Thiếu tá Dương Thái Sơn, Phó Trưởng Công an xã Huống Thượng: Để đảm bảo ANTT, mỗi tháng, Công an xã đều tổ chức giao ban với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, dân phòng để triển khai nhiệm vụ. Việc hợp nhất 3 lực lượng thành lập tổ bảo vệ ANTT theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không chỉ giúp thống nhất trong công tác tổ chức, quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ mà còn nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, góp phần bảo vệ ANTT ngay từ cộng đồng dân cư.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng có thời gian phục vụ trong Quân đội, am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trọng cộng đồng dân cư… Mặt khác, nhiều người làm Công an xã bán chuyên trách, đội viên dân phòng còn đảm nhiệm các công việc khác của xóm, tổ dân phố.

Đơn cử trường hợp ông Phạm Văn Định, sinh năm 1962, ở xóm Huống Trung, xã Hóa Thượng, đến nay đã có thời gian 15 năm làm Công an xã bán chuyên trách. Ngoài nhiệm vụ trên, ông còn làm Phó xóm, Tổ trưởng Tổ vay vốn. Còn ông Trần Văn Duyên, sinh năm 1966, ở xóm Hóc, xã Huống Thượng, có thời gian làm Công an xã bán chuyên trách đã 23 năm. Hiện ông Duyên còn đảm nhiệm Phó bí thư Chi bộ.

Ông Phạm Văn Định và ông Trần Văn Duyên đều rất đồng tình với quan điểm thống nhất 3 lực lượng để thành lập tổ bảo vệ ANTT. Theo ông Phạm Văn Định: Việc hợp nhất 3 lực lượng, thành lập tổ bảo vệ ANTT theo tôi là rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng như nhiều anh em Công an xã bán chuyên trách đều băn khoăn về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng sẽ giảm đi. Hiện nay, xóm tôi là xóm loại 1, tôi được hỗ trợ 2.340 nghìn đồng/tháng. Tới đây thành lập tổ bảo vệ ANTT, nếu tôi làm Tổ trưởng mới được 1.350 nghìn đồng, Tổ phó 1.250 nghìn đồng còn tổ viên là 1.150 nghìn đồng.

Đây không chỉ là băn khoăn của riêng ông Phạm Văn Định và ông Trần Văn Duyên. Thực tế tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhiều ý kiến cũng đề nghị HĐND tỉnh cân đối xem xét nâng mức hỗ trợ cho tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở khi có điều kiện.

Phát biểu tại buổi họp báo về Kỳ họp thứ 19 của HĐND tỉnh, Thượng tá Nguyễn Hoàng Trí Kháng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh: Việc xây dựng mức mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các thành viên tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở của tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Công an, điều kiện thực tế của địa phương và tham khảo một số tỉnh trong khu vực. Mức hỗ trợ của tỉnh nằm trong nhóm trung bình và có thể điều chỉnh theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh, tại 177 xã, phường, thị trấn với 2.254 xóm, tổ dân phố, hiện nay mỗi xóm bố trí 1 Công an xã bán chuyên trách; mỗi phường bố trí 1 ban bảo vệ tổ dân phố; mỗi xóm, tổ dân phố có 1 đội trưởng, 1 đội phó dân phòng, tổng cộng 6.495 người. Sau khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tổng số thành viên dự kiến là 6.676 người (tăng 281 người so với 3 lực lượng hiện nay).

Ngoài mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được hỗ trợ 15% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn; hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở còn được hỗ trợ khi làm nhiệm vụ những khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở của tỉnh Bến Tre: tổ trưởng 2.200.000 đồng/người; tổ phó 2.000.000 đồng/người; tổ viên 1.800.000 đồng/người.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ thường xuyên hằng tháng đối với tổ trưởng, tổ phó, tổ viên tổ bảo vệ ANTT lần lượt là 1.880.000 đồng/người; 1.520.000 đồng/người và 1.160.000 đồng/người.

Còn tỉnh Nam Định hỗ trợ thường xuyên hằng tháng đối với tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT 1.500.000 đồng/người; tổ phó 1.400.000 đồng/người; tổ viên 1.300.000 đồng/người.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202406/ho-troluc-luong-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-them-dong-luccong-hien-6852adf/