Hỗ trợ người chăn nuôi lợn chuyển đổi sản xuất

Cùng với chỉ đạo quyết liệt khoanh vùng dập dịch, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nhanh chóng hoàn tất thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật khuyến nông để các hộ chủ động chuyển đổi vật nuôi, sớm ổn định cuộc sống.

Tính đến ngày 26/6, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho gần 1.200 hộ dân ở 215 thôn, tổ dân phố của 56 xã, phường, thị trấn tại 9/9 huyện, thành phố. Với chủ trương không được tái đàn lợn trong vùng dịch bệnh, chính quyền các địa phương đã chủ động hỗ trợ người chăn nuôi lợn chuyển đổi sản xuất. Trong đó, nhiều hộ chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang đối tượng vật nuôi khác như gia cầm, thủy sản và gia súc lớn.

Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Na Lin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, gia đình không tái đàn mà chuyển sang nuôi bò. Theo chị Thanh, bò ít bị bệnh, sinh sản tốt nên sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Bò nái mỗi năm đẻ 1 lứa và bê sau 1 năm nuôi có giá trị hơn 10 triệu đồng. Nuôi bò có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn nuôi lợn do con giống đắt nhưng lại tận dụng được thức ăn từ sản xuất nông nghiệp (rơm, lá ngô, ngô hạt...).

Nhiều hộ chuyển sang nuôi bò để ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ chuyển sang nuôi bò để ổn định cuộc sống.

Hộ ông Nguyễn Văn Doanh ở tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, là một trong những hộ có số lợn tiêu hủy nhiều nhất tỉnh đến thời điểm này (125 con). Do quy mô chăn nuôi lớn nên sau khi lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy, trong kho của gia đình ông còn hơn 3 tấn cám. Để tận dụng nguồn thức ăn này, ngay sau khi hoàn tất việc tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh, ông Doanh vệ sinh, khử trùng chuồng trại để chuẩn bị chuyển sang nuôi gà. Theo tính toán của ông Doanh, với 8 chuồng nuôi lợn trước đây có thể cải tạo để nuôi hơn 1.000 con gà. Nuôi gà khoảng 4 đến 6 tháng là có thể xuất bán và thu nhập gia đình sẽ ổn định trở lại.

Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng có sẵn nguồn vốn để chuyển đổi sản xuất. Như hộ ông Phạm Văn Khá ở thôn Na Nối, xã Bản Xen, huyện Mường Khương, có 40 con lợn (hơn 2 tấn) bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi vừa buộc phải tiêu hủy. Đây là tổn thất nặng nề nhất về kinh tế của gia đình ông từ trước đến nay. Hiện ông còn nợ ngân hàng 80 triệu đồng mà trước đó vay để xây dựng chuồng trại và mua cám, chưa biết trả nợ bằng cách nào. Ông muốn sửa chữa chuồng trại chuyển sang nuôi bò, trâu sinh sản nhưng bế tắc về vốn. Ông Khá ngậm ngùi: “Gia đình tôi muốn nuôi khoảng 3 đôi trâu, 2 đôi bò nhưng hiện chưa đủ vốn. Chúng tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước vì có lợn tiêu hủy để trả bớt nợ, đồng thời được tiếp tục vay vốn phục vụ phát triển sản xuất”.

Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhiều địa phương đã có những chính sách kịp thời, phù hợp. Tại huyện Bảo Yên, hàng trăm hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đang đề nghị huyện hỗ trợ vốn để nuôi trâu sinh sản, nuôi vịt bầu và gà thả đồi. Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Huyện đã làm việc và thống nhất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bảo Yên về hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, đối với các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ; giảm lãi tiền vay, không thu lãi quá hạn; hộ chăn nuôi có thể trực tiếp đến các chi nhánh để đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, ngân hàng sẽ đầu tư mới để người dân tiếp tục sản xuất, chăn nuôi, có thu nhập và thanh toán vốn vay. Phía đơn vị chức năng của huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể tình hình phát triển chăn nuôi tại các xã, đồng thời quy hoạch lại vùng sản xuất đối với từng loại vật nuôi như nuôi trâu sinh sản, nuôi vịt, gà thả đồi... từ đó có phương án hỗ trợ các hộ chuyển đổi chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân. Để người dân yên tâm, chủ động khai báo khi lợn nhiễm bệnh và vơi bớt khó khăn bởi tổn thất do dịch bệnh gây ra, tỉnh Lào Cai sẽ hỗ trợ tất cả các trường hợp có lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc nằm trong vùng có dịch. Quy định mức hỗ trợ cho chủ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn là: Đối với lợn con, lợn thịt các loại bằng 80% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch bệnh; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: Nhiều hộ dân trong tỉnh có ý định nuôi lợn trở lại song theo chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp là không tái đàn cho đến khi công bố hết dịch. Các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy nên tận dụng chuồng trại có sẵn, chuyển đổi sang các vật nuôi khác phù hợp với từng vùng, từng địa phương, trong đó ưu tiên nuôi gia cầm vì vòng đời ngắn, vốn đầu tư không lớn. Bên cạnh đó, các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên ngoài nuôi gia cầm nên tận dụng đất vườn đồi để phát triển đàn dê, trâu, bò, ngựa…

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/ho-tro-nguoi-chan-nuoi-lon-chuyen-doi-san-xuat-z3n20190709075826885.htm