Hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản

Còn ít ngày nữa, nhân dân cả nước sẽ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian qua, bà con nông dân tập trung thu hoạch nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những ngày Tết. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương trong vùng có dịch cần có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Còn ít ngày nữa, nhân dân cả nước sẽ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian qua, bà con nông dân tập trung thu hoạch nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những ngày Tết. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương trong vùng có dịch cần có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Trên địa bàn TP Chí Linh (Hải Dương), hiện có hơn 1,5 triệu con gia cầm và hơn 8.000 con lợn, nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến việc tiêu thụ gia cầm đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khoảng 300 nghìn con gà đồi phục vụ Tết của nhân dân. Ðể giải bài toán này, cơ quan chức năng thành phố đang triển khai các phương án phòng, chống dịch trong quá trình vận chuyển để tiêu thụ gà đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời kêu gọi người nuôi gà chủ động tiêu thụ tại chỗ, người dân vùng dịch và các địa phương trong tỉnh ưu tiên sử dụng thịt gà. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương cũng kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu mua sản phẩm chăn nuôi cho nhân dân. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã thu mua hơn 10.000 con gà đồi cho các hộ nuôi ở TP Chí Linh. Còn tại TP Hải Dương, hiện có 275 ha trồng hoa đào bán dịp Tết nhưng nhiều thương lái mua đào đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc nên các hộ trồng đào mới bán được 10% số lượng. UBND thành phố vừa có văn bản kêu gọi các tổ chức, đơn vị, thương lái, người dân mua hỗ trợ người trồng đào trên địa bàn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, hiện có hơn 38.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số nơi phải thực hiện giãn cách xã hội cho nên việc xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản gặp không ít khó khăn, nhất là các địa phương trọng điểm sản xuất hàng hóa nông sản, thủy sản như Ðông Triều, Quảng Yên, Vân Ðồn. Ðể bảo đảm "đầu ra" cho nông sản, tỉnh Quảng Ninh kêu gọi người dân trên địa bàn chung tay tiêu thụ để cùng chia sẻ khó khăn với các hộ sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh…

Có thể thấy, các địa phương trong vùng dịch đã chủ động và thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm "giải cứu" sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm "đầu ra" và thu nhập cho nhân dân. Ðể việc tiêu thụ nông sản trong vùng có dịch đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp, tổ chức, cá nhân ưu tiên tiêu thụ nông sản trong vùng có dịch. Ðặc biệt là kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người dân thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày từ việc tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất trong nước, nhất là trong dịp Tết Tân Sửu 2021, góp phần thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí tiêu thụ nông sản như: chi phí vận chuyển, đóng gói…; vận động các doanh nghiệp thu mua, chế biến đối với các loại nông sản, nhất là nông sản đã đến kỳ thu hoạch. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm đến các thị trường ngoài địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì các cơ quan chức năng cũng cần tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch trong vận chuyển và tiêu thụ nông sản; xử lý nghiêm theo quy định những trường hợp vi phạm…

Bảo Hân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/ho-tro-nguoi-dan-vung-dich-tieu-thu-nong-san-634262/