Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thời gian qua, huyện Mường La đã tuyên truyền và hỗ trợ người dân đi lao động ở nước ngoài, góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Đức Huynh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, cơ quan chức năng liên quan thường xuyên giám sát trình tự tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động trên địa bàn đi lao động ở nước ngoài, nhất là việc kiểm tra, giám sát việc thu phí dịch vụ của các doanh nghiệp theo quy định của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và cam kết.

Công chức văn hóa xã hội xã Pi Toong động viên, thăm hỏi gia đình có người đi lao động tại Nhật Bản.

Công chức văn hóa xã hội xã Pi Toong động viên, thăm hỏi gia đình có người đi lao động tại Nhật Bản.

Giai đoạn 2021-2023, huyện tổ chức 2 ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp; phát 15.000 tờ rơi tại ngày hội tư vấn, giúp người lao động, học sinh tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, có nhiều lựa chọn, cơ hội tìm việc làm phù hợp điều kiện, khả năng, sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, huyện còn tổ chức 7 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động các xã, thị trấn và tuyên truyền trên loa phát thanh, để người dân hiểu được vai trò và lợi ích khi tham gia đi lao động ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn làm các thủ tục đi lao động ở nước ngoài. Ông Đào Trọng Dương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường La, thông tin: Phòng Giao dịch đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát đối tượng và hướng dẫn hồ sơ thủ tục cho vay theo đúng quy trình. Từ năm 2022 đến tháng 5/2023, Phòng giao dịch đã hỗ trợ 31 lao động vay vốn với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng đi lao động ở nước ngoài.

Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 60 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Thông qua công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giúp cuộc sống của nhiều hộ gia đình được cải thiện đáng kể, có tiền sửa sang xây mới nhà cửa, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Xã Pi Toong có 25 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, nhiều lao động đã tích góp được một khoản tiền để gửi về cho gia đình sửa sang nhà cửa và sắm sửa các đồ dùng thiết yếu trong gia đình, nhiều hộ còn xung phong ra khỏi hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 22,5%.

Trước đây gia đình chị Quàng Thị Xoan, bản Lứa, xã Pi Toong, thuộc diện hộ nghèo của bản. Năm 2022, sau Ngày hội tư vấn việc làm huyện tổ chức, chồng chị là Lò Văn Huấn đã chủ động đăng ký, nộp hồ sơ đi làm việc có thời hạn ở Đài Loan là thợ xây dựng với thu nhập bình quân gần 15-17 triệu đồng/tháng. Chị Xoan chia sẻ: Từ nguồn thu nhập của chồng gửi về, ngoài việc trả nợ vay hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH huyện, tôi đã dành dụm để mua sắm các vận dụng cần thiết, lo cho con đi học đầy đủ. Vừa qua, tại cuộc họp ở bản, tôi đã xin ra khỏi hộ nghèo.

Chị Lò Thị Hồng Lan, bản Cang Phiêng, học tiếng Nhật chuẩn bị đi lao động ở Nhật Bản.

Chị Lò Thị Hồng Lan, bản Cang Phiêng, học tiếng Nhật chuẩn bị đi lao động ở Nhật Bản.

Gia đình bà Vì Thị Xuân, ở bản Cang Phiêng, có con trai là Lò Minh Lượng được tư vấn tại Ngày hội tư vấn việc làm huyện, đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đến nay, anh Lượng đã làm việc ở Nhật Bản được 5 tháng, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Con gái của bà là Lò Thị Hồng Lan cũng đang chuẩn bị đi lao động ở Nhật Bản.

Chị Lan chia sẻ: Thấy em trai đi làm việc ở nước ngoài thu nhập cao, tôi cũng đã đăng ký. Hiện nay, tôi đã vượt qua kỳ thi tiếng Nhật, đến tháng 11 sẽ sang Nhật làm công việc phụ bếp trong bệnh viện. Đây là cơ hội có việc làm với thu nhập cao, vừa tích lũy vốn, trau dồi thêm tiếng Nhật để sau này có thể tìm việc làm trong các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, số lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn thấp so với nguồn lao động còn thiếu việc làm ổn định ở các địa phương. Nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn muốn đi lao động ở nước ngoài nhưng không có chi phí ban đầu để học tiếng; nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý ngại đi làm việc xa, chỉ mong muốn làm gần nhà để được gần gia đình; trình độ, kỹ năng tay nghề lao động còn nhiều hạn chế.

Gia đình ở bản Lứa, xã Pi Toong, xây nhà từ thu nhập làm việc ở nước ngoài

Gia đình ở bản Lứa, xã Pi Toong, xây nhà từ thu nhập làm việc ở nước ngoài

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tạo điều kiện để công dân tham gia thị trường lao động có thu nhập ổn định và thu nhập cao, huyện tăng cường công tác tuyên truyền; chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND các xã thị trấn và các đơn vị doanh nghiệp đã được Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cấp phép sử dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức các phiên giao dịch việc làm và các hội nghị tuyên truyền tư vấn, tuyển dụng lao động; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với Ngân hàng CSXH để người dân có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Huyện rất mong các cấp, ngành có cơ chế chính sách đối với trường hợp thực tập sinh (vừa học, vừa lao động) để tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn; giới thiệu các đơn vị tuyển dụng lao động xuất khẩu có uy tín gắn với các đơn vị đào tạo lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét hướng dẫn nội dung thời gian hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian đào tạo theo quy định.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/ho-tro-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-6lZ9meZSg.html