Hỗ trợ nông dân đầu tư hệ thống tưới ẩm cho cây trồng
Tưới ẩm là biện pháp hiệu quả trong cấp nước cho cây trồng phát triển lại tiết kiệm nước, chi phí nhân công; tăng hiệu quả bón phân, thâm canh, năng suất. Với tính ưu việt đó, tưới ẩm cho cây trồng chủ lực, vùng sản xuất hàng hóa đã được ngành nông nghiệp, các địa phương khuyến khích người dân thực hiện.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây trồng cạn. Hàng loạt chương trình được triển khai như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng... đã đưa diện tích tưới tiên tiến không ngừng tăng lên.
2 ha chè của ông Vũ Văn Bẩy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) gần 4 năm nay phát triển tốt, năng suất cao hơn nhờ áp dụng phương pháp tưới ẩm. Con trai ông Bẩy, anh Vũ Thành Đông chia sẻ: Đủ độ ẩm chè lên đều, năng suất tăng 20% so với chưa áp dụng tưới ẩm. Gia đình thu 30 tấn chè búp tươi/lứa, thu nhập cả năm được khoảng 120 triệu đồng. Có hệ thống tưới ẩm gia đình đỡ rất nhiều công tưới, mỗi tuần chỉ cần bật công tắc 1 lần khoảng 2 tiếng là toàn bộ 2 ha chè được tưới như nhau. Trước đây, 4 người trong gia đình tưới buổi sáng vẫn chưa xong, không tưới được đều, vừa lãng phí nước, vừa bị rửa trôi phân bón.
Đối với 1 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ, ông Hoàng Việt Cương, thôn Ngòi, xã Mỹ Bằng cũng nhờ áp dụng phương pháp tưới ẩm tiên tiến mà hiệu quả hơn thâm canh truyền thống. Ông Cương cho biết, tưới bằng phương pháp cấp ẩm hiệu quả, nhất là đối với thời điểm ít mưa, thúc phân, người trồng có thể chủ động về nước cũng như quá trình sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, qua quá trình làm thì cũng có một số hạn chế như khó hơn trong việc đưa cơ giới hóa vào thu hoạch bởi hệ thống dây và ống gây vướng; những ống đứng bằng nhựa qua thời gian phơi mưa nắng bị giòn dễ vỡ, quá trình thay thế khá khó. Vì thế, khi áp dụng tưới ẩm này, cơ quan chuyên môn cũng như người dân cần nghiên cứu, cải tiến thiết bị để khi áp dụng thực tiễn sản xuất, phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo cho việc áp dụng cơ giới hóa thuận tiện.
Vườn chè của gia đình ông Vũ Văn Bẩy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)
được tưới ẩm năng suất tăng 20% so với tưới truyền thống.
Đồng chí Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết: Qua đánh giá, diện tích cây chè được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho năng suất cao hơn khoảng từ 20% và cao hơn 50% so với diện tích cây trồng cạn không chủ động được nước tưới. Hơn nữa, tưới bằng công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước, giảm sức lao động, tăng hiệu quả tưới, giúp người sản xuất định lượng, quản lý tốt và kiểm soát được tổng lượng nước dùng.
HTX Sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động trên 7 ha chè. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX cho biết, từ 7 ha, với 18 hộ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống phun mưa tự động năm 2017, đến nay đã phát triển lên gần 20 ha chè được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động. Diện tích chè được tưới, năng suất đạt 90 - 100 tấn/ha/năm, tăng hơn 10 tấn/ha/năm so với trước kia, tiết kiệm chi phí nhân công. Trong đó, chi phí tiền điện không đáng kể, với mỗi ha chè cần tưới từ 15 - 20 lần/năm, mỗi lần 4 - 8 giờ. Anh Thắng cũng như người trồng chè mong sẽ áp dụng được tưới phun mưa cho cả vùng chè để tăng năng suất cũng như giảm công lao động.
Phương pháp tưới ẩm cho cây trồng hiệu quả nhưng để áp dụng rộng rãi thì còn nhiều khó khăn như diện tích cây trồng cần tập trung, có nguồn nước, nguồn điện và đặc biệt là kinh phí đầu tư ban đầu. Anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) có 7 ha thanh long đang cho quả, chăm sóc và tưới thủ công. Anh Hưng cho biết, anh mong muốn có hệ thống tưới ẩm tự động nhưng vì chưa có kinh phí đầu tư, hiện anh đã xây dựng bể chứa nước trên đỉnh đồi để ròng dây xuống tưới, mỗi hôm tưới được một đám mà nước không đều nhưng để đầu tư được hệ thống tưới ẩm cho toàn diện tích chi phí lên đến gần 500 triệu đồng, hiện gia đình chưa đủ khả năng đầu tư.
Ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá, tưới tiên tiến góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí công lao động, tăng thu nhập từ 20 - 30% so với tưới thông thường. Bên cạnh đó, hệ thống này còn tận dụng trong bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh, giúp người sản xuất chủ động trong quản lý dinh dưỡng mà không phụ thuộc vào thời tiết. Tưới ẩm còn không gây xói mòn, rửa trôi đất và chất dinh dưỡng như tưới nước mặt; điều chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây trồng trong từng chu kỳ, giảm từ 50% - 70% lượng nước tiêu thụ so với phương pháp tưới truyền thống; phù hợp với mọi điều kiện địa hình khác nhau.
Tuy nhiên, hiệu quả nhưng diện tích tưới cấp ẩm trên địa bàn tỉnh mới đạt khoảng 50 ha. Theo ngành Nông nghiệp, nguyên nhân do người dân còn thiếu kinh phí áp dụng hệ thống tưới ẩm, trong khi đó, chính quyền các địa phương chưa có kinh phí tổ chức thực hiện triển khai công tác tập huấn, tham quan các mô hình ứng dụng công nghệ này để các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân hiểu rõ về các giải pháp, công nghệ, thiết bị và hiệu quả kinh tế đem lại sau đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Thêm vào đó, chi phí đầu tư ban đầu đối với hệ thống thiết bị tưới tương đối lớn, trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/ha, trong khi sức cạnh tranh của các sản phẩm từ cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh chưa cao, giá trị sản phẩm/đơn vị diện tích còn thấp; giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định dẫn đến người dân chưa thực sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Vậy, giải bài toán giá thành vật liệu ứng dụng công nghệ tưới ẩm rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là tổ chức tín dụng hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để mở rộng diện tích cây trồng tưới ẩm, bảo đảm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.