Hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất
Bão số 4 đã gây thiệt hại nặng đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, nông dân ở các địa phương trong tỉnh rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và ngành chức năng để sớm khôi phục sản xuất.
Theo số liệu thống kê thiệt hại do bão số 4, toàn tỉnh có 307ha rau màu, 70ha hành và trên 840ha rừng, cây ăn quả, cây trồng hằng năm... bị ngã đổ; gần 1.700 con gia cầm bị chết. Tại xã Hành Tín Đông, vùng chuyên canh chuối ngự của huyện Nghĩa Hành, toàn bộ diện tích chuối đến tuổi thu hoạch bị ngã đổ do bão số 4.
Vừa dọn dẹp vườn chuối ngã đổ, ông Hồ Thanh Hướng, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông thở dài nói: “Có gần 100 buồng chuối bị ngã đổ. Tôi chặt mấy buồng chuối già bán vớt vát, nhưng thương lái chê cây ngã quả bị dập nên giá rẻ như cho”.
Không chỉ ông Hướng, hàng trăm hộ trồng chuối ngự trên địa bàn xã Hành Tín Đông cũng rơi vào cảnh tương tự. Trước đây, trong bão số 9 năm 2020, vùng chuyên canh chuối ngự Hành Tín Đông bị thiệt hại gần 20ha. Vừa đầu tư khôi phục, vừa tốn công chăm sóc nhưng cây chuối nhiễm bệnh, diện tích giảm chỉ còn hơn 5ha.
Chưa kịp mừng vì chuối được giá, thì các chủ vườn lại buồn rầu vì toàn bộ diện tích chuối bị ngã đổ do ảnh hưởng của bão số 4 vừa qua. Tại huyện Sơn Tịnh, địa phương có diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn tỉnh do bão số 4, với 213ha rừng và 78ha cây trồng hằng năm, cũng đang khẩn trương khôi phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất.
Trong số 213ha rừng bị hư hỏng, có nhiều diện tích keo vừa được nông dân phục hồi sau bão số 9 năm 2020, giờ lại bị hư hại khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Tịnh Sơn cho biết, khoản nợ đầu tư trồng 1,5ha rừng keo sau bão số 9 năm 2020 chưa trả xong giờ cây bị gãy đổ, phải tốn công và chi phí chăm sóc, khôi phục.
Tại TP.Quảng Ngãi, địa phương có hơn 150ha rau, hoa màu bị thiệt hại, nông dân cũng đang tất bật chăm sóc, khôi phục cũng như tổ chức trồng mới trên những diện tích bị hư hỏng, thiệt hại hoàn toàn. “Sản xuất rau, hoa màu vụ đông khó khăn nhưng giá bán cao hơn.
Sau khi bão tan, trời nắng ráo nên tôi tranh thủ ra đồng để bón phân phục hồi các loại cây cho quả như đu đủ, cà tím. Với rau ăn lá bị hư hại hoàn toàn thì dọn vệ sinh, làm đất và chuẩn bị xuống giống mới”, bà Nguyễn Thị Sinh, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Sau bão số 4, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, thống kê và triển khai công tác khắc phục thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các công trình thủy lợi, xử lý vệ sinh môi trường nông thôn, nước sạch. Tăng cường
thu gom và xử lý xác gia cầm bị chết do bão, không để phát sinh và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, dặm tỉa những diện tích cây trồng bị chết, bảo đảm mật độ cây trồng phù hợp. Đối với các diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, ngành nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn nông dân tập trung gieo trồng lại để bảo đảm thời vụ và nguồn cung cho thị trường.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp giúp người dân sớm khôi phục sản xuất; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nắm tình hình thiệt hại cũng như nhu cầu của người dân. Qua đó, Sở NN&PTNT tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT có hướng hỗ trợ người dân kịp thời để khôi phục sản xuất.
Đồng thời, Sở NN&PTNT huy động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cung ứng cây, con giống gia cầm chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống đảm bảo số lượng và chất lượng, để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Trước mắt, ưu tiên các loại giống cây trồng ngắn ngày như bắp, rau màu các loại và cây lâm nghiệp để phục vụ người dân phục hồi những diện tích rừng bị hư hại.
Bài, ảnh: MỸ HOA