Hỗ trợ nông nghiệp phải 'ra tấm ra món'
Ngày 27/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Những vướng mắc về cơ chế, bất cập trong sử dụng đất, khó khăn đầu ra cho nông sản đã được nông dân bày tỏ thẳng thắn, mong muốn Hà Nội có những biện pháp 'đột phá' để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.
Mong chính quyền là cầu nối để “dồn điền, đổi thửa”
Tại buổi đối thoại, trăn trở về việc đầu tư mở rộng trang trại, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) kiến nghị TP nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù của Thủ đô, tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn, hoặc sử dụng đất đai đã được phê duyệt cho thuê dài hạn (vì hiện tại chỉ có thời hạn 5 năm). Ông Hòa cũng đề xuất TP cần tạo mặt bằng, có cơ chế hỗ trợ đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo hợp vệ sinh môi trường.
Cũng với vướng mắc về cơ chế đất đai, bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Rau an toàn Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đề nghị TP kéo dài thời gian cho thuê quỹ đất công ích 5%, xử lý dự án quy hoạch treo, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất nông nghiệp sạch chuyên canh tập trung và các đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Xuân Huy - hội viên nông dân xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) cho hay, hạn chế ở địa phương là các ô thửa do hộ gia đình được giao có diện tích manh mún, sản xuất không hiệu quả, nên một số hộ bỏ đất hoang, năm cấy 1 vụ lúa không hiệu quả.
Do vậy, ông Nguyễn Xuân Huy kiến nghị, chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để tập hợp được diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân (chuyển nhượng, cho thuê hoặc góp vốn bằng đất…) đảm bảo cho người đầu tư yên tâm khi thực hiện dự án. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân khi chuyển đổi.
Bên cạnh những vướng mắc về chính sách đất đai, trong buổi đối thoại, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn trước những khó khăn đầu ra cho nông sản. Xung quanh câu chuyện được mùa mất giá trong tiêu thụ nông sản, ông Chu Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 101 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, theo ông Chu Xuân Cừ, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn huyện trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa có đầu ra ổn định, còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá và thương lái ép giá, gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Nghệ - hội viên nông dân xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) cho hay, toàn huyện Gia Lâm hiện nay có 13 xã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 14 xã ứng dụng hệ thống QR-Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn thấp; việc tiêu thụ nông sản an toàn còn vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.
Vì vậy, đề nghị TP quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn chất lượng cao.
Không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn
Sau khi nghe ý kiến của nông dân, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trước mắt, UBND TP đang tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sắp tới một điều khoản về cơ chế chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, cùng với công tác điều chỉnh quy hoạch sẽ làm cơ sở để định hướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cũng thông tin, từ năm 2021 đến nay, TP đã giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng cho các cơ chế chính sách này, nhưng chủ yếu giải ngân cho công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, HĐND TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP rà soát lại các chính sách để hoàn thiện nhằm nâng cao hỗ trợ cho “tam nông” một cách thực chất, hiệu quả.
Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) một lần nữa khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Về những kiến nghị, đề xuất của đại biểu nông dân tại hội nghị đối thoại, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo sở, ngành TP chủ động rà soát các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương và TP; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để các cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, phải xác định mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món”, gắn với vùng sản xuất và có định hướng cụ thể từ TP xuống cơ sở.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ho-tro-nong-nghiep-phai-ra-tam-ra-mon-i669013/